Theo Reuters/AP/Đài BBC, sự bùng phát dịch COVID-19 dường như đang ngày càng tồi tệ hơn khi số người chết và số người phát hiện nhiễm bệnh ngày càng tăng lên. Việc bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh, lĩnh vực, trong đó tác động đến cả nền chính trị thế giới.
Họp trực tuyến- cơ hội bị đánh mất?
Ngày 3/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết họ sẽ chuyển Hội nghị mùa Xuân chung của 2 tổ chức này sang hình thức họp trực tuyến thay vì triệu tập cuộc họp trực tiếp ở Washington, viện dẫn các quan ngại gia tăng về virus corona.
Hội nghị mùa Xuân của 2 thể chế này- theo kế hoạch diễn ra từ ngày 17-19/4- thường tập hợp khoảng 10.000 quan chức chính phủ, doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và nhà báo trên khắp thế giới tới phòng họp chật kín người tại trụ sở của 2 thể chế này ở Washington.
Các quan chức cho biết IMF sẽ vẫn công bố bản Dự báo Kinh tế Thế giới cập nhật, trong đó sẽ hạ thấp triển vọng toàn cầu do đợt bùng phát dịch, vốn tác động nặng nề tới ngành hàng không, sản xuất và du lịch của thế giới.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva tháng trước cho biết đợt bùng phát dịch có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1%.
Theo một quan chức IMF, có khả năng cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế gồm 24 thành viên- cơ quan điều hành của IMF- sẽ vẫn họp trực tiếp. Chi tiết cuộc họp đang được lên kế hoạch.
Trong khi đó ủy ban tương tự của WB- Ủy ban Phát triển- đang lên kế hoạch họp trực tuyến.
Giới phân tích cho rằng quyết định chuyển các hội nghị mùa Xuân sang hình thức họp trực tuyến nhiều khả năng sẽ được duy trì lâu dài vì có thể giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, theo Scott Morris, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở ở Washington, họp trực tiếp tạo cơ hội cho các nước nhỏ gặp gỡ nhiều đối tác và tiến hành các cuộc gặp song phương có ích.
COVID-19 gây khó cho phản ứng chính sách phối hợp
Ngày 3/3, nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), cho biết họ đã sẵn sàng hành động, bao gồm các biện pháp tài chính thích hợp, để viện trợ ứng phó với virus Corona và hỗ trợ nền kinh tế.
Tuyên bố chung của 7 nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada được đưa ra sau hội nghị khẩn cấp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
G7 từng đưa ra các tuyên bố chung trong giai đoạn thị trường rối loạn như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, các vụ tấn công khủng bố và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
[UNCTAD: Dịch COVID-19 có thể khiến FDI toàn cầu giảm tới 15%]
Tuyên bố chung của G7 có đoạn: “Trước các tác động tiềm tàng của COVID-19 tới tăng trưởng toàn cầu, chúng tôi tái khẳng định cam kết sử dụng tất cả công cụ chính sách thích hợp để đạt được tăng trưởng mạnh và ổn định, cũng như ngăn chặn các nguy cơ tiêu cực.”
Ngoài phản ứng tiêu cực từ các thị trường toàn cầu, tuyên bố chung của G7 cũng bị nhiều nhà kinh tế chỉ trích là thiếu tính rõ ràng. Theo giới phân tích, G7 "không có gì ngoài một tuyên bố đầy những hứa hẹn mơ hồ," tuyên bố "hoàn toàn trống rỗng và thiếu tính hành động" và "không đưa ra điều gì mới mẻ cho các thị trường tài chính."
Các chuyên gia nhấn mạnh tuyên bố chung G7 không đáp ứng kỳ vọng về một phản ứng chính sách phối hợp và làm tăng nguy cơ các ngân hàng trung ương sẽ "vùi dập" hy vọng của các thị trường trong những tháng tới.
Viện cớ virus Corona hay sự lúng túng?
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN, ban đầu dự kiến tổ chức vào ngày 14/3 tới tại Las Vegas, đã bị hoãn giữa lo ngại về sự lây lan của virus Corona chủng mới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25/2 nói Hội nghị này được tổ chức sau khi ông Trump không đến dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN cũng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bangkok (Thái Lan) năm 2019.
Sau đó, theo Reuters, hai quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ với báo giới rằng hội nghị đã bị hoãn.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, trong thư điện tử trả lời BBC viết rằng việc vì sao hội nghị này bị hoãn vẫn là câu hỏi, bởi lý do lo ngại về dịch bệnh được nêu “là một lời giải thích hợp lý nhưng không thuyết phục.”
Giáo sư Thayer bình luận: “Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa được báo chí trích dẫn lời nói hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN vẫn diễn ra vào cuối tuần thứ 2 của tháng 3 tại Las Vegas. Sau đó, quan chức Bộ Ngoại giao lại tuyên bố hội nghị đã bị hủy khi các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục chống lại sự lây lan của dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra.
Hiện chưa rõ việc Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh theo quyết định riêng của họ, hay để đáp lại yêu cầu từ một hoặc nhiều thành viên ASEAN. Theo những gì được thông báo, không một quốc gia Đông Nam Á nào đưa ra lý do rằng lãnh đạo nước họ phải ở lại trong nước để chiến đấu với bệnh dịch.
Trong khi trên thực tế, Hội nghị Mỹ-ASEAN chính là địa điểm hoàn hảo để phối hợp các hoạt động của Mỹ và ASEAN nhằm ứng phó với loại virus này.”
Giáo sư Thayer cũng lưu ý đến một diễn tiến khác là trước khi Mỹ thông báo hoãn hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố không tham dự.
Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, được tờ Phnom Penh Post trích dẫn lưu ý rằng một số nhà lãnh đạo ASEAN có thể cũng sẽ không tham dự gồm Philippines, Myanmar và Malaysia.
Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Malaysia chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Mahathir không thể tới Las Vegas. Giáo sư Thayer phân tích: “Điều này dẫn đến kết luận hội nghị đặc biệt này đã bị Mỹ hoãn vì một số quốc gia ASEAN không hào hứng tham dự, chưa đồng thuận về một chương trình nghị sự cụ thể nào. Điều này cho thấy sự bối rối giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng”./.