Dịch vụ du lịch ở Xứ Lạng: Chưa tương xứng với tiềm năng

Du lịch Lạng Sơn đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng các dịch vụ du lịch còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.
Khách tới tham quan di tích thành Nhà Mạc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng nổi tiếng như quần thể động Nhị-Tam Thanh, khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn, hệ thống hang động ở Chi Lăng, Bắc Sơn.

Bên cạnh đó, tại Lạng Sơn cũng có nhiều di tích lịch sử, cách mạng như Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc.

Những yếu tố này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch Xứ Lạng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch Lạng Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng các dịch vụ du lịch còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.

Theo ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, các dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử xuống cấp, thiếu công trình vệ sinh đạt chuẩn; thiếu khu vui chơi giải trí cho du khách. Các hướng dẫn viên yếu về ngoại ngữ và các kiến thức văn hóa, xã hội. Ngoài ra, tại một số điểm du lịch, tình trạng "chèo kéo" du khách còn xảy ra, dẫn đến sức hút để du khách lưu trú dài ngày giảm và khả năng quay trở lại của họ không cao.

Quần thể khu du lịch Mẫu Sơn mặc dù đã được quy hoạch thành điểm du lịch quốc gia nhưng đến nay, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều dịch vụ phục vụ du lịch ở đây chất lượng chưa cao.

Hang động Nhị, Tam Thanh nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc... đều đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Những danh thắng này được biết đến với những giá trị văn hóa, bởi trong động còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sỹ qua các thời kỳ lịch sử; hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hiện nay các danh lam, thắng cảnh này đã bị lấn chiếm nghiêm trọng. Nguồn nước suối Ngọc Tuyền chảy qua động Nhị Thanh và một phần động Tam Thanh bị do nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống tại phường Tam Thanh và xã Hoàng Đồng tập trung đổ về con suối này gây ngập úng, rác thải ứ đọng ngay trong khu hang động. Không khí trong hai động ngày càng trở nên ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi khiến lượng khách thăm quan sụt giảm. Hoặc thành Nhà Mạc, di tích kiến trúc quân sự đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, những năm gần đây do ít được tu bổ lớn nên cỏ mọc kín các bậc dẫn lên cổng thành, cổng thành trở thành nơi người dân vứt rác bừa bãi.

Những năm vừa qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã có các chủ trương về phát triển du lịch thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đã có các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề và chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Lạng Sơn; ban hành các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư vào Lạng Sơn.

Tỉnh cũng đã quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt và những dự án cụ thể, triển khai thực hiện những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào một số khu, điểm du lịch tiềm năng như: Quy hoạch chi tiết khu danh thắng Nhị, Tam Thanh-Núi Tô Thị-Thành Nhà Mạc; Quy hoạch Khu du lịch Mẫu Sơn thành khu du lịch quốc gia; phát triển du lịch cộng đồng tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn và vùng phụ cận…

Theo ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn: Để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở Lạng Sơn, trước hết phải thay đổi nhận thức về du lịch, xem du lịch là hoạt động phục vụ có tính chuyên nghiệp cao. Từ đó, thay đổi trong tư duy kinh doanh du lịch, xóa lối kinh doanh “thời vụ," vì mục tiêu trước mắt, bỏ lợi ích lâu dài. Vấn đề đặc biệt cấp thiết hiện nay không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch mà là xây dựng văn hóa du lịch, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; kết hợp giữa việc tạo dựng hình ảnh du lịch Lạng Sơn thân thiện, hiếu khách với mục tiêu lâu dài là thu hút vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh của Lạng Sơn với các điểm du lịch khác.

Lạng Sơn cần quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng; điều chỉnh và phải đặt quy hoạch phát triển du lịch Lạng Sơn trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020, đồng thời xem xét tính gắn kết với quy hoạch phát triển thành phố Lạng Sơn và các vùng phụ cận. Các công trình lưu trú và công trình văn hóa phải được thiết kế hài hòa, vừa mang tính tiện ích vừa thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng của du lịch miền biên giới; khuyến khích xây mới các cơ sở lưu trú kết hợp các công trình văn hoá như công viên, khu vui chơi giải trí để phục vụ người dân và du khách.

Về quản lý du lịch và cơ chế chính sách, Lạng Sơn cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh du lịch đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Ngành du lịch cần thường xuyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng lao động trực tiếp; tuyên truyền, nâng cao ý thức và thái độ phục vụ du khách của nhân viên ngành du lịch, đội ngũ bán hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục