Tết Nguyên đán đã cận kề cũng là "thời điểm vàng" của các dịch vụ làm đẹp. Khách hàng nhộn nhịp đi làm đẹp chuẩn bị đón Tết giúp cho các cửa hàng kinh doanh dịch vụ này “hái ra tiền.”
Có mặt tại một cửa hàng làm tóc từ 11 giờ trưa, chị Linh Huệ (Nguyễn Du, Hà Nội) cho hay để được sử dụng dịch vụ, chị đã phải đặt lịch cắt từ tối hôm trước để hẹn cho ngày hôm nay.
"Tôi là làm nhân viên truyền thông cho một công ty nên cuối năm rất bận rộn, chỉ có thể tranh thủ giờ nghỉ để đi làm tóc. Năm nay, thưởng Tết cũng ít hơn mọi năm nên chỉ cắt với uốn nhẹ, chi tiêu chỉ dưới 1 triệu đồng để làm tóc thôi,” chị Huệ nói.
Trường hợp khác, chị Thu Thảo (quận Hoàng Mai) phải ngồi chờ ròng rã 2 tiếng đồng hồ từ 18 giờ chiều đến 20 giờ tối mới tới lượt làm móng tại một cửa hàng nail do không đặt lịch trước. Tranh thủ lúc chờ đợi, chị mua bánh mỳ ăn tạm cho bữa tối.
“Bận rộn công việc nên nhiều khi không đặt lịch trước được, cứ rảnh là đi. Những ngày cận Tết thế này dù có vào quán nào cũng sẽ đông như vậy, nên tôi cứ chọn đại một quán ngồi đợi rồi sẽ đến lượt…,” chị Thảo cho hay.
Ghi nhận trong một tuần trở lại đây, nhiều cửa hàng làm đẹp như làm tóc, hay làm nail, mi cũng hầu như trong tình trạng kín lịch từ sáng đến tối khuya, đa phần khách đều phải gọi điện trước để quán bố trí thời gian phục vụ cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhân lực làm việc tại các salon cũng được tăng lên. Nhiều chủ quán cho biết lượng khách tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm tháng trước đó.
Anh Hùng Anh, chủ một salon tóc tại phố Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết một tuần trở lại đây trung bình quán anh tiếp 50-60 lượt khách mỗi ngày, ngày cao điểm 70 khách. Do lượng khách quá đông nên anh và nhân viên phải hoạt động hết công suất từ sáng đến tối.
“Những ngày Tết lượng khách tăng đột biến, khách cứ yêu cầu giờ nào thì mình phục vụ giờ đó. Đỉnh điểm như ngày hôm qua là 11 giờ đêm mới xong việc, dự kiến phải chiều 30 Tết mới hết đông. Để phục vụ khách, lượng nhân viên quán hiện tại đã gấp đôi so với những tháng trước,” anh Hùng Anh nói.
Cũng theo anh Hùng Anh, các dịch vụ làm tóc được chị em lựa chọn trong dịp này gồm cắt tóc layer, mái Pháp, uốn xoăn, là, ép, phủ bóng, nhuộm tóc… Mức giá 150.000-800.000 đồng/lần. Còn gói dịch vụ uốn, nhuộm với thuốc cao cấp các thương hiệu Davines, Goldwell… mức giá sẽ từ 1,5-3 triệu đồng/dịch vụ. “Năm nay kinh tế cũng khó khăn, nguyên vật liệu cũng tăng giá nhưng tôi phải điều chỉnh không dám tăng giá vì sợ mất khách,” anh Hùng Anh chia sẻ.
Không riêng gì phái đẹp, cánh mày râu dịp này cũng gặp tình huống “thất thủ” khi đi cắt tóc. Ghi nhận tại một tiệm cắt tóc trên phố Mai Động (quận Hoàng Mai), một số người đến tiệm phải lấy số thứ tự trước. Do không gian tiệm nhỏ nên nhiều "thượng đế" đến phải ngồi ngoài quán càphê hoặc trà đá để đợi tới lượt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Minh Đức, đại diện quán cắt tóc cho biết do lượng khách quá đông mà người thì ít nên hôm nào cũng phải làm từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối mới xong việc, không kịp ăn. “Khách đông quá tôi phải thuê thêm thợ để gội đầu, phụ cắt nên chi phí Tết có tăng khoảng 10% so với giá cũ nhưng cũng không quá cao: Giá gội đầu 25.000 đồng/lần, vuốt tạo kiểu 20.000 đồng/lần; cắt tóc 110.000 đồng/lần, nhuộm, uốn tạo kiểu từ 330.000-650.000 đồng…,” anh Đức nói.
Sinh viên Thủ đô tất bật làm thêm dịp cận Tết Nguyên đán
Tận dụng khoảng thời gian trước dịp nghỉ Tết, nhiều sinh viên tại Hà Nội tranh thủ tìm thêm việc làm thời vụ nhằm tăng thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và luyện tập khả năng giao tiếp trong cuộc sống.
Ngoài các tiệm làm tóc “cháy hàng” thì các tiệm làm nail, mi của các chị em cũng đông không kém dịp này.
Tại một cửa hàng làm nail ở phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) các thợ làm móng cho biết mỗi ngày trung bình làm khoảng 20-30 bộ móng. Cửa hàng phụ thu 10% trên bộ dịp Tết, nâng giá dịch vụ trung bình lên khoảng 220.000-400.000 đồng/bộ. Dịp Tết, một thợ nail có thể mang về doanh thu trên dưới 5 triệu đồng/ngày cho cửa hàng.
Chị Quỳnh Chi, nhân viên tiệm trên chia sẻ từ ngày 25 Tết đổ lại, cửa hàng thường xuyên đóng cửa sau 12 giờ đêm, ngày thường chỉ 22h là đóng cửa. Việc làm đẹp này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác lại cúi đầu cả ngày nên chị hay bị đau cổ, mỏi mắt.
“Trưa 30 Tết mình mới về nhà nghỉ Tết, thu nhập tuần trước Tết bằng 2-3 tháng bình thường nên cố gắng, ra Tết nghỉ bù. Sau Tết dịch vụ nail, mi thường chậm khách hơn,” chị Chi chia sẻ.
Hết hôm nay 28 Tết, các đơn vị cơ quan, công sở mới chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, nhiều khách hàng bận rộn phải làm đẹp muộn trả thêm phụ phí ngày Lễ. Nhiều khách nữ chia sẻ phải “móc hầu bao” từ 3-5 triệu đồng để tân trang sắc đẹp đón Tết./.