Màn diễu binh của quân đội Nga trong lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng phátxít 9/5 đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi những loại khí tài tối tân mà Nga đang sở hữu. Tuy nhiên, đây không phải là màn “diễu võ giương oai.” Với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm, Nga muốn chứng tỏ cam kết trong việc củng cố an ninh trên thế giới.
[Nga khoe vũ khí khủng ở diễu binh mừng Chiến thắng] Phát biểu sau khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Sergei Shoigu báo cáo về sự sẵn sàng của lực lượng diễu binh, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ làm tất cả để không ai có thể khơi mào một cuộc chiến tranh vào bất cứ lúc nào. Dưới đây là thông tin cơ bản về những loại khí tài mà Nga đã giới thiệu trong cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ. 1. Xe thiết giáp GAZ-2330 "Tiger": Là xe thiết giáp đa năng tốc độ cao và hiện đại nhất của quân đội Nga, tốc độ tối đa 140 km/h, tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong vòng 16 giây, có thể chở tối đa 4 người và mang theo từ 500-1000 kg hàng hoá, được trang bị giáp bảo vệ đạn đạo mức độ 5 (5-mm) có khả năng bảo vệ kíp xe trước các loại đạn súng trường và mìn, vũ khí trang bị trên xe gồm súng máy, súng phóng lựu, súng chống tăng RPG-26, thiết bị vô tuyến, thiết bị chế áp bộ phát nổ bằng điều khiển vô tuyến. 2. Xe bọc thép chở quân BTR-82A: Được nhận vào trang bị cho quân đội Nga năm 2013, lần đầu tiên được giới thiệu tại một cuộc duyệt binh. BTR-82A có khả năng vượt dốc cao đến 30 độ, vượt hào rộng 2 mét, vượt vật cản cao 0,5 mét, tốc độ tối đa 80 km/h, chở được 10 lính vũ trang. Vũ khí trang bị gồm pháo tự động 30-mm (150 quả đạn dự trữ), súng máy 7,62-mm (2000 viên đạn dự trữ), bộ phóng mồi bẫy nhiệt, kính ngắm quang học…
3. Xe tăng T-90A: Đây là biến thể cải tiến và hiện đại hoá của tăng T-90, kíp lái gồm 3 người, được nhận vào trang bị năm 2005. Theo các số liệu chính thức, đã có hơn 500 chiếc tăng T-90 và T-90A được sản xuất, trong tổng số 1335 chiếc được đặt hàng cho quân đội Nga.
4. Pháo tự hành Msta-S 150-mm: Được thiết kế để tiêu diệt sinh lực địch và các phương tiện kỹ thuật, xe thiết giáp, công sự, các phương tiện phòng không và phòng thủ chống tên lửa, các trạm điều khiển và các cơ sở ở hậu phương của kẻ địch. Msta-S được lắp trên khung gầm xe tăng T-70, trang bị gồm tháp pháo 150-mm, súng máy phòng không 12,7-mm, các loại đạn pháo thông thường và có điều khiển, đạn chống tăng.
5. Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2: Được thiết kế để tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu chiến thuật và chiến lược của không quân đối phương, tiêu diệt tên lửa hành trình, máy bay trực thăng, các phương tiện bay khí động học, tên lửa đạn đạo, tên lửa hàng không, các mục tiêu mặt nước và mặt đất có phản xạ radar. Buk-M2 thực hiện nhiệm vụ phòng không và phòng thủ cho các mục tiêu quân sự, các tổ hợp công nghiệp-hành chính quan trọng và một khu vực lãnh thổ nhất định.
6. Tổ hợp tên lửa phòng không siêu hiện đại S-400 Triumph: Được nhận vào biên chế từ năm 2007, hiện nay nó thuộc thành phần binh chủng phòng không và phòng thủ vũ trụ Nga, đóng quân tại khu vực tỉnh Matxcova. S-400 Triumph là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, lần đầu tiên trong lịch sử hậu Xô viết Nga đã sản xuất được loại vũ khí tối tân nhất, vượt trội hơn hẳn mọi vũ khí tương tự của các nước trên thế giới. Nga có kế hoạch cung cấp cho quân đội 20 tiểu đoàn S-400 Triumph đến năm 2015.
7. Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1: Được NATO định danh là SA-20, được giao trọng trách bảo vệ các cơ sở đặc biệt quan trọng kích thước nhỏ của quân đội, các cơ sở công nghiệp, năng lượng, hoá dầu, lọc dầu, kho tàng và trung tâm truyền thông của đất nước trong phạm vi từ 50-100 mét và từ 1,5-3 km, bảo vệ các đơn vị lục quân, không quân, các trận địa tên lửa, trạm chỉ huy và các đài radar.
8. Tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-M: Được NATO định danh là SS-26 STONE-A, là tổ hợp tên lửa vô cùng lợi hại của quân đội Nga, có khả năng “tàng hình” trước các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Iskander-M được coi là vũ khí răn đe hiệu quả và tạo áp lực đối với bất kỳ quyết định nào của Mỹ nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
9. Tổ hợp tên lửa đạn đạo di động Topol-M: Là biến thể hiện đại hoá sâu của tổ hợp Topol, đang làm hạt nhân của lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Topol-M sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn, gồm 3 tầng, được đặt trong ống phóng vận tải, có tuổi thọ không dưới 15 năm. Hệ thống Topol-M có thể được vận hành trong thời gian 20 năm. Để tiêu diệt được 1 tên lửa của hệ thống Topol-M phía Mỹ phải mất 7 tên lửa đánh chặn. Hiện nay, Mỹ mới triển khai được khoảng 30 tên lửa đánh chặn, trong khi Nga có hàng trăm tổ hợp Topol-M liên tục di chuyển cơ động trên khắp lãnh thổ.