'Điểm nóng' về xâm hại tài nguyên rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô

Năm 2023, cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô phát hiện, xử lý 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với các hành vi như khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vi phạm quy định bảo vệ rừng...
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô tuần tra khu vực giáp ranh với xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô có diện tích gần 26.850ha, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại gỗ quý và loài động vật hoang dã.

Khu Bảo tồn có địa giới hành chính giáp ranh các huyện Krông Pa (Gia Lai), Sông Hinh (Phú Yên) và hai huyện Krông Năng, M’Đrắk (Đắk Lắk), nên luôn nằm trong “tầm ngắm” của đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh. Điều này dẫn đến hình thành “điểm nóng” về phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, gây áp lực lớn lên lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

“Điểm nóng” về xâm hại tài nguyên rừng

Một ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp cùng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Trạm Kiểm lâm số 2 (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô) kiểm tra rừng tại khu vực giáp ranh xã Ea Dăh, huyện Krông Năng. Đây là một trong những "điểm nóng" về phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và cũng là tuyến đường các đối tượng thường xâm nhập vào khu bảo tồn vận chuyển lâm sản ra bên ngoài.

Băng đồi, vượt suối, chúng tôi đến khu vực giáp ranh xã Ea Dăh. Ghi nhận tại khu vực này, một số ngọn đồi dù nằm trên diện tích quản lý, bảo vệ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô nhưng đã trở thành rẫy ngô xen lẫn cây rừng.

Anh Đỗ Hải Hoàng thuộc Trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, cho biết bà con sinh sống ở khu vực giáp ranh khu bảo tồn đời sống còn khó khăn, kinh tế vẫn bám vào rừng nên tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy còn xảy ra.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô phát hiện một diện tích nhỏ vừa bị phát quang tre, nứa, cây rừng để xâm lấn trồng tỉa các loại cây ngắn ngày. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ địa bàn được giao, đối với diện tích bị lấn chiếm do yếu tố lịch sử để lại và người dân đang canh tác, lực lượng chức năng đã trồng cây rừng, đồng thời tuyên truyền, ký cam kết với bà con trong quá trình canh tác phải bảo vệ cây rừng, khi cây rừng lớn, khép tán trả lại diện tích rừng cho đơn vị quản lý, bảo vệ. Công tác tuần tra, kiểm tra hiện trạng rừng luôn được chú trọng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Tiến sâu khu vực rừng rậm, lực lượng chức năng phát hiện có những khoảnh nhỏ diện tích mới bị phát quang, tạo khoảng trống để chuẩn bị gieo trồng.

Theo anh Đỗ Hải Hoàng, kinh nghiệm cho thấy thời điểm mùa khô sắp đến bà con sống gần rừng thường phát quang diện tích tre, nứa, cây nhỏ trong rừng để xâm lấn đất, tỉa các loại cây ngắn ngày. Do đó, tại những khu vực có dấu hiệu bị xâm lấn, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, cho biết với đặc thù địa bàn quản lý rộng, tiếp giáp nhiều địa phương nên áp lực bảo vệ tài nguyên rừng là rất lớn. Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh huyện Krông Năng, tình trạng xâm lấn đất rừng, canh tác nông nghiệp trái phép còn diễn ra. Người dân vẫn vào rừng khai thác gỗ và săn bắn động vật hoang dã tại các tiểu khu 619, 614, 632...

Năm 2023, cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô phát hiện, xử lý 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với các hành vi như khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vi phạm quy định chung về bảo vệ rừng...

Đáng nói là tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên Quốc lộ 29 (Đắk Lắk-Phú Yên) đoạn đi qua khu bảo tồn diễn ra phức tạp, các đối tượng sử dụng xe bán tải, xe taxi, xe khách... để vận chuyển gỗ và lâm sản ra khỏi khu bảo tồn đi nơi khác tiêu thụ.

Các loại gỗ bị khai thác chủ yếu là các loại nguy cấp quý hiếm như, giáng hương, cà te… Do không có trạm kiểm soát trên tuyến đường nên rất khó kiểm tra xe lưu thông, điều này gây khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Lê Minh Tiến cho biết thêm.

Nan giải "bài toán giữ rừng" và giữ chân người bảo vệ rừng

Áp lực giữ rừng ngày càng tăng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ngày càng mỏng; đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng vi phạm manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ.

Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, trước tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, đơn vị tăng cường tuần tra, phát hiện và phối hợp xử lý nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, có vụ việc khởi tố hàng chục bị can. Các đối tượng ngày càng hung hãn, manh động, xảy ra nhiều vụ việc chống trả lực lượng quản lý, bảo vệ rừng bằng vũ khí tự chế khiến nhiều cán bộ, kiểm lâm bị thương tích nặng.

Gần đây nhất là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 2/12, anh Nguyễn Kim Anh (quyền Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm số 2) đi kiểm tra khu vực thường bị người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy ở khu vực giáp ranh thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện anh Nguyễn Kim Anh tử vong tại rẫy ngô của người dân. Nguyên nhân sơ bộ được xác định là anh Nguyễn Kim Anh bị bắn vào vùng bụng bằng súng đạn hoa cải với 14 vết đạn. Vụ việc trên cho thấy tình trạng sử dụng vũ khí như súng tự chế, dao… để xâm nhập vào Khu Bảo tồn và chống trả lực lượng quản lý bảo vệ rừng là rất nghiêm trọng và phức tạp. Các lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô tăng cường công tác tuần tra tại các điểm nóng xâm phạm tài nguyên rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Lê Minh Tiến cũng trăn trở: lực lượng quản lý, bảo vệ rừng làm việc trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhất ở các chốt chặn sâu trong rừng và giáp các tỉnh khác. Trong khi đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa tương xứng nhiệm vụ, trách nhiệm của người giữ rừng.

Thời gian gần đây, nhiều người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng đã xin nghỉ hưu sớm, chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Do vậy, lực lượng bảo vệ rừng ngày càng mỏng và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Điều này đặt ra thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở giai đoạn hiện nay và sau này.

Về lâu dài, để giải bài toán giữ rừng và “giữ chân” người bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô kiến nghị các cấp Trung ương, Bộ, ngành liên quan quan tâm chế độ, chính sách cho lực lượng trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng vì đây là lực lượng trực tiếp giữ rừng, bảo vệ “tận gốc” tài nguyên rừng, đặc biệt là chế độ thâm niên nghề, phụ cấp nghề, phụ cấp độc hại, công tác ở vùng khó khăn…

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô tăng cường công tác tuần tra tại các điểm nóng xâm phạm tài nguyên rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn lực cho chủ rừng thực hiện phát triển, nâng cao sinh kế người dân vùng đệm, hỗ trợ mức khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh… Chính quyền địa phương có vùng giáp ranh tăng cường phối hợp các đơn vị tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại vùng giáp ranh thực hiện tốt chính sách, quy định về lâm nghiệp trên địa bàn, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng; nắm bắt chặt chẽ, kịp thời tình hình diễn biến tại địa phương, nhất là theo dõi đối tượng vi phạm để tuyên truyền giáo dục, răn đe, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức người dân vùng đệm, giảm áp lực xâm hại tài nguyên rừng.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô có thảm thực vật rừng phong phú, nhiều loại gỗ quý hiếm như càte, gõ đỏ, bằng lăng, căm xe, giáng hương… cùng đa dạng loài động vật hoang dã với 279 loài thuộc 92 họ, 29 bộ ở 4 lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái. Trong số đó có đến 69 loài quý hiếm như, sói đỏ, hươu vàng, bò rừng, chồn dơi, bò tót, sơn dương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục