Hướng tới cộng đồng, thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chi trả trực tiếp cho người dân qua tài khoản ngân hàng là gần 80 tỷ đồng.
Hướng tới cộng đồng, thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 1Rừng phòng hộ, đặc dụng ven sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng đảm bảo tính an toàn, công khai, minh bạch, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, hồ sơ, giảm thiểu chi phí cho các bên.

Nhờ đó, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cũng thuận tiện, chủ động, tiết  kiệm thời gian hơn trong việc nhận “thù lao.”

Đơn giản hóa thủ tục, minh bạch trong chi trả

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp với ngân hàng thực hiện việc mở tài khoản và thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng, thôn (bon), hộ gia đình, cá nhân…

Nhìn chung, việc chi trả tiền thù lao quản lý, bảo vệ rừng qua tài khoản ngân hàng nhận được sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân nhận giao khoán trên địa bàn tỉnh vì sự thuận lợi, minh bạch, công khai và đơn giản trong thủ tục.

Theo một số đơn vị chủ rừng, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ, nhóm hộ nhận khoán qua tài khoản ngân hàng là chủ trương chung đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện tại công văn số 7491/BNN-TCLN ngày 26/9/2018 về việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt mất nhiều thời gian, chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo công khai, minh bạch.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với một số địa phương tiến hành thí điểm trả tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử.

Kết quả tổng kết, đánh giá thí điểm vào năm 2019 cho thấy việc chi trả qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn. Các địa phương đều có khả năng áp dụng các hình thức trả tiền này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng, chủ rừng là tổ chức và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành trả tiền dịch vụ môi trường qua tài khoản ngân hàng hoặc qua giao dịch thanh toán điện tử từ năm 2019.

Theo một số đơn vị chủ rừng, bên cạnh các lợi ích rõ ràng về đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc công khai minh bạch và tiết kiệm chi phí đi lại cho các bên, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng cũng có những khó khăn nhất định.

Đơn cử như nếu chi trả trực tiếp cho các hộ dân nhận khoán, đơn vị chủ rừng có thể kết hợp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhận khoán chú tâm hơn trong tuần tra, bảo vệ rừng, nhờ đó nâng cao hiệu quả công tác này cũng như có các lưu ý, “chế tài” phù hợp, kịp thời.

Tuy nhiên, nhìn chung, với đặc thù là một tỉnh có diện tích rừng lớn tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa với nhiều đối tượng chủ rừng, nhận khoán quản lý, bảo vệc rừng, Đắk Nông xác định việc mở tài khoản và chi trả trực tiếp tiền dịch vụ môi trường rừng là một hướng đi tất yếu.

[Đắk Nông: Dịch vụ môi trường rừng chiếm hơn 70% mức đầu tư lâm nghiệp]

Bên cạnh công khai, minh bạch, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng cũng hạn chế những rủi ro, nguy hiểm không đáng có cho nhân viên, người lao động khi mang theo số lượng tiền mặt lớn để tiến hành chi trả trực tiếp, nhất là tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu vùng xa.

Vượt qua một số khó khăn, vướng mắc, nhất là việc nhiều chủ rừng, hộ nhận khoán là là đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen với việc sử dụng tiền mặt, hoặc không biết chữ…, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ngân hàng Thương mại Công thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh tỉnh Đắk Nông tiến hành mở tài khoản cho các tổ chức, cá nhân.

Hướng tới cộng đồng, thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 2Hướng dẫn, thực hiện các thủ tục để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Cụ thể, đối với tổ chức, đã có 73/73 tổ chức mở tài khoản thanh toán đạt 100% chỉ tiêu; đối với cộng đồng dân cư, thôn bon, đã có 12/12 cộng đồng dân cư, thôn, bon mở tài khoản thanh toán, đạt 100% chỉ tiêu; đối với hộ gia đình, cá nhân, có 76/76 hộ gia đình, cá nhân mở tài khoản thanh toán, đạt 100% chỉ tiêu.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng là gần 80 tỷ đồng.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn gần 26 tỷ đồng; các công ty chuyên về lĩnh vực lâm nghiệp gần 30 tỷ đồng; các công ty, doanh nghiệp khác gần 18 tỷ đồng; Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn hơn 3 tỷ đồng; cộng đồng các thôn, bon, buôn… hơn 2,2 tỷ đồng; hộ gia đình, cá nhân trực tiếp nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng gần 390 triệu đồng.

Cũng theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông, tiền dịch vụ môi trường rừng được chuyển thẳng vào tài khoản của các đối tượng được thụ hưởng, do đó người dân sẽ chủ động hơn trong việc quản lý và sử dụng tiền của mình.

Từ đó, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Hướng tới cộng đồng, nâng cao nhận thức về dịch vụ môi trường rừng

Theo số liệu diễn biến rừng năm 2022, tỉnh Đắk Nông có trên 250.000ha diện tích đất có rừng, trong đó diện tích rừng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng trên 140.000ha, với đơn giá chi trả bình quân khoảng 800.000 đồng/ha.

Nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức của cộng đồng về dịch vụ môi trường rừng, những năm qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã thường xuyên đổi mới về cả nội dung tuyên truyền.

Ngoài thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền trực quan trên hơn hàng nghìn băng rôn, cờ phướn, bảng cố định, truyền thanh lưu động tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh Đắk Nông; tổ chức in ấn và cấp phát hàng chục nghìn vật phẩm tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã đề nghị các đơn vị được thụ hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sống gần rừng bằng nhiều hình thức như: đóng bảng tuyên tuyền, tổ chức họp dân để phổ biến về chính sách… về thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng.

Hướng tới cộng đồng, thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 3Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một ưu tiên của tỉnh Đắk Nông trong bối cảnh hạn hán, mưa lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Thông qua các hoạt động tuyên truyền trên, các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã hiểu được rõ hơn về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là những đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Nhằm góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã trao tặng 24 cặp thùng rác và 300 áo khoác cho 12 Trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị các phần quà hơn 140 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chi trả dịch vụ môi trường rừng, thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng là một ưu tiên của đơn vị nói riêng và ngành nông, lâm nghiệp Đắk Nông nói chung.

Từ nay tới cuối năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông tập trung hoàn thành công tác thu, chi theo kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt; đôn đốc Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án tổ chức sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định; đôn đốc các chủ dự án trồng rừng thay thế hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành; xây dựng kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2024 cho các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục