Thời gian gần đây, khi bàn luận về chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới, một số chuyên gia, nhà hoạt động chính trị và báo giới thường gợi ý Moskva cần tập trung các nỗ lực đối ngoại vào các vấn đề đối nội cấp bách hiện nay.
Ông Igor Ivanov, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nga (1998-2004) hiện là Chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này trong bài viết đăng trên nhật báo Rossyiskaya Gazeta của Chính phủ Nga số 8024 ra ngày 26/11 vừa qua.
Tiếp tục phương thức ngoại giao đa phương
Theo ông Igor Ivanov, thế giới đã chứng kiến nhiều điều bất ngờ ở nhiều nơi trên thế giới - từ chiến thắng của ứng viên Tổng thống Vladimir Zelensky ở Ukraine cho đến lộ trình luận tội Tổng thống Donald Trump ở Mỹ.
Từ một chuỗi bất ổn chính trị ở Mỹ Latinh đến cuộc khủng hoảng chính trị bất tận ở Anh vì Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Từ một loạt các cuộc tấn công vũ trang bí ẩn vào tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư đến những biến động mạnh mẽ trong quan hệ Mỹ-Trung.
Trong bối cảnh phức tạp của sự bất ổn và biến động của tình hình quốc tế, chính sách đối ngoại của Nga đã thể hiện những đặc tính khác biệt vượt trội.
Ngay cả những nhà phê bình khó tính nhất cũng buộc phải thừa nhận rằng trong năm sắp tới, đường lối của Nga trong các vấn đề quốc tế sẽ tiếp tục được ghi dấu ấn bởi tính liên tục và nhất quán.
Mặc dù chưa phải là mô hình lý tưởng cho tất cả đối tác trên trường quốc tế nhưng Nga giống như một đối tác thuận tiện, nhưng không thể chê trách họ là đối tác không đáng tin cậy và không thể đoán trước.
Lợi thế không thể chối cãi này so với một số cường quốc khác đang tạo nên sự tôn trọng không chỉ ở bạn bè và đồng minh của Nga, mà còn cả các đối thủ cạnh tranh.
Rõ ràng, năm 2020 sắp tới sẽ được đặc trưng bởi sự giảm ổn định của hệ thống thế giới.
Tất nhiên, điều này có thể sai nhưng năng lượng của sự sụp đổ hệ thống quan hệ quốc tế cũ vẫn chưa hoàn toàn cạn kiệt. Không thể sớm ngăn chặn phản ứng dây chuyền của sự phân rã như vậy. Đó là thực tế không phải trong một hai năm, mà là một viễn cảnh lịch sử lâu dài.
Và nhiệm vụ (ngăn chặn phản ứng sụp đổ mang tính dây chuyền) không dành cho một hoặc một nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới, mà cho toàn bộ cộng đồng quốc tế vì nhiều lý do khác nhau chưa sẵn sàng đối phó một cách nghiêm túc.
Trong các điều kiện này, có thể nảy sinh một sự cám dỗ tự nhiên để hạn chế tối đa sự tham gia của Nga vào các vấn đề quốc tế, tự tách mình ra khỏi thế giới khó lường và nguy hiểm bên ngoài để tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ của nước Nga.
Có thể hiểu được việc không mong muốn nhập khẩu sự bất ổn, hay miễn cưỡng trở thành con tin của các quá trình và xu hướng tiêu cực trong nền chính trị thế giới mà Moskva không thể kiểm soát và không ai có thể kiểm soát được.
[Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân]
Hoàn toàn có thể hiểu được đòi hỏi của xã hội đối với các nhà lãnh đạo đất nước là tập trung vào các vấn đề nội bộ mà, thật không may, nước Nga đang mắc phải và chưa tìm được lối thoát.
Tuy nhiên, chiến lược tự cô lập, ngay cả khi mang tính tạm thời và một phần, cũng là nguy hiểm ở ít nhất hai khía cạnh.
Đầu tiên, sự tự cô lập nhất quán trong thế giới hiện đại phụ thuộc lẫn nhau là gần như không thể, ngoại trừ trường hợp ngoại lệ hiếm hoi như Triều Tiên.
Và đối với Nga, quốc gia đã hội nhập sâu rộng vào các tiến trình chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, bất kỳ nỗ lực tự cô lập nào đó chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ rất nhiều thành tựu quan trọng mà chính sách đối ngoại đã đạt được trong 30 năm qua.
Và hơn nữa, nó sẽ làm chậm đáng kể giải pháp cho những nhiệm vụ nội bộ cần phải tập trung giải quyết.
Thứ hai, chiến lược tự cô lập thực sự cũng có nghĩa là Nga tự loại mình ra khỏi sự tham gia tích cực vào việc tạo ra một hệ thống quan hệ quốc tế mới, bao gồm xây dựng trật tự thế giới mới.
Và việc tạo ra trật tự thế giới mới này trong mọi trường hợp là không thể tránh khỏi, vấn đề chính nằm ở thời hạn và cái giá mà nhân loại sẽ phải trả cho trật tự thế giới mới.
Khi thời đại bất ổn bị bỏ lại phía sau và khả năng quản lý toàn cầu được khôi phục bằng cách này hay cách khác, Moskva sẽ phải chơi theo các quy tắc do người khác phát triển, những quy tắc đó phản ánh lợi ích không phải của Nga, mà của những thành viên khác trong nền chính trị thế giới.
Do đó, chính sách đối ngoại của Nga trong năm tới không nên giới hạn trong việc giải quyết chủ yếu các nhiệm vụ hoạt động hiện tại ở nhiều khu vực trên thế giới, mặc dù tầm quan trọng của các nhiệm vụ này khó có thể được đánh giá hết.
Tuy nhiên, không kém phần quan trọng là sự phát triển của các nguyên tắc, mô hình và cơ chế hợp tác quốc tế mới trong tương lai.
Nói một cách hình tượng, nếu ngày nay vẫn còn quá sớm để bắt đầu xây dựng một tòa nhà theo trật tự thế giới mới, có thể và cần phải chọn từng "viên gạch" và thậm chí toàn bộ khối xây dựng cho tòa nhà tương lai ngay hôm nay. Trong công việc phức tạp này, chính sách đối ngoại của Nga có ưu điểm vượt trội.
Mặc dù xu hướng trong quan hệ quốc tế hiện đại cho thấy một số vấn đề có thể thay đổi nhanh chóng, song Nga hiện đã sẵn sàng để thay đổi chính sách đối với Trung Đông từ việc dựa trên các đánh giá thách thức sang dựa trên các đánh giá về cơ hội.
Nga đang tạo dựng được hình ảnh là quốc gia trung gian hòa giải mới tại khu vực, có khả năng cân bằng sức mạnh tại khu vực và tạo ra được các cơ hội cho phép Moskva tìm kiếm được một loạt giá trị tại khu vực này, bao gồm trong lĩnh vực quan lý an ninh, lĩnh vực năng lượng hay buôn bán vũ khí hoặc xuất khẩu nông sản.
Nhu cầu xây dựng một hệ thống các cơ chế quốc tế dân chủ
Ở châu Á, Nga cùng với các đối tác có thể thực hiện các bước đi nghiêm túc để xây dựng một hệ thống các cơ chế quốc tế dân chủ, cởi mở và về mặt nguyên tắc là mới.
Trong số những thành tựu gần đây, có thể kể đến việc mở rộng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), quảng bá khái niệm BRICS+, kích hoạt định dạng ba bên của RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), tiến bộ ấn tượng trong việc liên kết phát triển Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cùng dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Rõ ràng, việc bổ sung các hình thức thể chế mới với nội dung cụ thể sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng và Nga với vai trò là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS và SCO năm 2020 có thể đi tiên phong trong việc mở rộng "danh mục dự án" của các tổ chức này.
Quan hệ Nga-Trung đang tự tin trở thành nhân tố có ảnh hưởng trong toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Sự tích cực phối hợp hơn nữa giữa Moskva và Bắc Kinh trên trường quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh, sẽ tiếp tục tăng cường uy tín và tầm ảnh hưởng của họ trong các vấn đề quốc tế.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn dành cho Trung Quốc nhiều lời lẽ có cánh và ca ngợi mối quan hệ Nga-Trung là "chưa từng có."
Điều đáng chú ý là những lời lẽ này không chỉ vừa được đưa ra mà đã xuất hiện từ hồi tháng Sáu năm nay, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.
Hiện, Ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác đầu tư và Ủy ban tư vấn doanh nhân Nga-Trung đang xem xét 70 dự án với tổng trị giá 112 tỷ USD, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc vào năm 2020 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ sang thăm Nga trong năm 2020 để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS và hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trên hướng châu Âu, mặc dù năm 2019 đang qua đi chưa phải là bước ngoặt đối với Moskva về chiều hướng tốt hơn, nhưng giai đoạn này vẫn mang lại kết quả tích cực nhất định.
Nga trở lại Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu, đạt được các cách tiếp cận thống nhất giữa Nga và phương Tây trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Moldova.
Sau một thời gian dài nghỉ ngơi, cơ chế hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ Norman về hòa giải ở Donbass Ukraine đã bắt đầu hoạt động.
Ngoài ra, tiến bộ cũng đã được ghi nhận trong các cuộc đàm phán ba bên Nga, Ukraine và EU về các vấn đề năng lượng.
Châu Âu đang bước vào giai đoạn tư duy lại một cách sâu sắc về mô hình hội nhập khu vực. Và vấn đề không chỉ nằm ở sự ra đi sắp tới của Vương quốc Anh khỏi EU, trong chương trình nghị sự của tổ chức này còn là các vấn đề cấp bách về phát triển kinh tế xã hội, khu vực hóa, vấn đề an ninh...
Trong bối cảnh đó, một cuộc đối thoại chính trị nghiêm túc về tương lai quan hệ Nga-châu Âu trên tất cả các hướng chiến lược là cần thiết. Và một cuộc đối thoại như vậy phải được bắt đầu càng sớm càng tốt.
[Tổng thống Nga bác bỏ mọi cáo buộc về can thiệp vào bầu cử Mỹ]
Tại Mỹ, chiến dịch bầu cử năm 2020 đang bước vào thời điểm cao trào, đây không phải là thời điểm tốt nhất đối với những nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng không tốt của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, không thể đồng ý với những quan điểm cho rằng Moskva nên tạm dừng các nỗ lực này, chờ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới và Mỹ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc vốn đã chia rẽ xã hội Mỹ 3 năm trước.
Lịch sử cho thấy rằng sự chờ đợi "một thời điểm thuận lợi" có thể kéo dài bất tận và những lý do chính đáng để kéo dài thời gian tạm dừng sẽ ngày càng nhiều hơn.
Nếu các liên hệ hiện có với nhánh hành pháp của Mỹ bị cản trở một cách khách quan, thì Moskva cần tăng cường hoạt động của mình theo các tuyến khác, kể cả trên đường đua thứ hai.
Trong quan hệ với châu Phi, năm 2019 là một năm đột phá. Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Sochi không chỉ thể hiện sự hiện diện của lợi ích chung trong việc phát triển hợp tác, mà còn cho thấy tiềm năng của sự hợp tác đó.
Hiện nay, vấn đề chủ yếu là không nên để những xung lực mới nhận được sẽ "biến mất vào cát sa mạc", vì vậy, năm 2020 sẽ phải là một năm của các bước đi thực tế.
Những vấn đề này và nhiều vấn đề khác sẽ là thách thức với chính sách đối ngoại của Nga năm 2020.
Nước Nga đã thể hiện các kỹ năng quản lý khủng hoảng hiệu quả, có thể đương đầu với những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay về an ninh khu vực và toàn cầu.
Ngoài những kỹ năng này, Moskva còn có cơ hội thể hiện khả năng của một kỹ sư thiết kế giàu kinh nghiệm, sẵn sàng cùng với các đối tác của mình kiến thiết các thành tố riêng lẻ và liên kết chuỗi toàn bộ một cơ chế phức tạp của một trật tự thế giới mới mà đến thời điểm này vẫn chưa được định hình hoàn toàn.
Năm 2020 sẽ diễn ra với biểu ngữ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và Thế chiến II.
Nhìn lại, cần lưu ý rằng vào năm 1945, các cường quốc chiến thắng, mặc dù có sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề cơ bản nhất của sự phát triển thế giới, đã có thể đồng ý không chỉ về các quy tắc chung của luật chơi trên trường quốc tế, mà còn về việc tạo ra một hệ thống các thể chế quốc tế đảm bảo duy trì sự ổn định toàn cầu và khu vực.
Hệ thống này, mặc dù với nhiều thiếu sót và không hoàn hảo, đã phục vụ nhân loại trong nhiều thập kỷ.
Ngày nay, cộng đồng quốc tế phải đối mặt với những thách thức có thể so sánh về quy mô với những thách thức vào giữa thế kỷ trước.
Ông Igor Ivanov hy vọng rằng các chính trị gia hiện đại, cũng như những người tiền nhiệm vĩ đại của họ, sẽ nhận ra trách nhiệm lịch sử của mình và thể hiện sự thông thái tầm quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thời đại./.