Sau một mùa Hè tương đối ảm đạm đối với điện ảnh trong nước, các nhà làm phim Việt bắt đầu trở lại phòng vé trong dịp cuối năm.
Theo thống kê của Moveek tính đến 24/10, dự kiến sẽ có 7 phim Việt ra rạp trong tháng 11 và 12. Cụ thể, tháng 11 có các phim “Ngày xưa có một chuyện tình” (1/11), “Culi không bao giờ khóc” (15/11), “Linh miêu” (22/11) và tháng 12 có “Công tử Bạc Liêu” (6/12), “Đồi thông hai mộ”, “Kính vạn hoa” (27/12) và “Nhà gia tiên” (28/12).
Các nhà quan sát nhận định các phim có tiềm năng đạt “trăm tỷ” đều là phim có yếu tố bảo chứng phòng vé trong quá khứ, ngoài ra chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng đột phá trong năm 2024.
Tiềm năng từ các “thương hiệu”
Đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một trong những tác giả có nhiều truyện được chuyển thể phim điện ảnh Việt nhất. Sau “Mắt biếc” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đều có doanh thu cao nhất nhì thời điểm phát hành và được giới phê bình đón nhận, năm nay tiếp tục có “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Kính vạn hoa” được đưa ra rạp.
“Kính vạn hoa” đang được coi là cái tên sáng giá nhất. Phim là phiên bản chuyển thể điện ảnh từ truyện cùng tên do Võ Thanh Hòa làm đạo diễn, Galaxy Studio sản xuất. Đây cũng là nhà sản xuất từng thực hiện hai phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Mắt biếc.”
Bất chấp việc ra mắt cùng thời điểm với 2 phim Việt khác, một trong số đó (Đồi thông hai mộ) cùng khai thác không khí hoài niệm và cũng do một đạo diễn từng có thành tích “trăm tỷ” thực hiện, “Kính vạn hoa” vẫn được dự báo là "ngựa ô" phòng vé cuối năm nay.
Ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập và vận hành nền tảng theo dõi diễn biến các rạp phim tại Việt Nam-Box Office Vietnam, cho hay phim có sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám trong phim truyền hình xưa đồng thời không bị giới hạn độ tuổi và làm từ tác phẩm gốc kinh điển. “Hai phim còn lại sẽ khá khó khăn khi cạnh tranh với ‘Kính vạn hoa’,” ông Khánh Dương nhận định.
Cũng theo người vận hành Box Office Vietnam, “Ngày xưa có một chuyện tình” có thể lép vế hơn một chút khi truyện gốc chỉ mới ra mắt từ 2016, sẽ khó khăn hơn để có thể lặp lại thành công của 2 phim trước, tuy nhiên khán giả Việt vẫn sẵn sàng đón nhận một tác phẩm tốt nên vẫn có tiềm năng để đạt hoặc vượt mốc “trăm tỷ.”
“Linh miêu” và “Công tử Bạc Liêu” cũng có yếu tố tiềm năng. Các nhà quan sát chỉ ra “Linh miêu” có thể kế nhiệm “Quỷ cẩu” - hiện tượng phòng vé từng thu 108 tỷ đồng đầu năm 2024. Hai phim đều khai thác truyền thuyết dân gian truyền miệng, có chất liêu trai chí dị của Việt Nam đang được khán giả yêu thích. Thêm vào đó, êkíp được đánh giá là dày dạn kinh nghiệm, hiểu thị trường.
Còn “Công tử Bạc Liêu” khai thác một nhân vật có thật với nhiều giai thoại gắn với đời sống sa hoa và đậm đặc về không gian văn hóa miền Tây, có thể đạt doanh số tốt nếu được lòng khán giả nhiệt thành của khu vực này.
Từ góc nhìn tổng quan, ông Hoàng Tuấn - quyền Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh chỉ ra mùa phim cuối năm có sự đa dạng, có cả những nỗ lực đáng kể của người làm phim Việt trên hành trình vươn xa khỏi những thể loại hài, hành động và tâm lý thông thường trước đây.
Tuy vậy, thành công phòng vé vẫn đến từ rất nhiều yếu tố. “Nói chung các phim này đều có kỳ vọng về doanh thu, có thể có phim gia nhập ‘câu lạc bộ trăm tỷ’ nhưng để bùng nổ thực sự thì cá nhân tôi chưa dám tự tin khẳng định,” ông Hoàng Tuấn nhận xét.
Dự báo không có sự bùng nổ
Điện ảnh năm 2024 tiếp tục bị phủ bóng bởi hai “ông lớn” là Trấn Thành và Lý Hải, khi lần lượt các tác phẩm “Mai” thu trên 551 tỷ đồng và “Lật mặt 7: Một điều ước” đạt hơn 482 tỷ đồng doanh số nội địa (theo Box Office Vietnam).
Trong khi đó, những phim có tiềm năng đạt “trăm tỷ” của năm nay vẫn được dự báo sẽ còn cách xa thành tích hai phim kể trên, khó tạo bất cứ một đột phá nào đáng kể. Mặt khác, thị trường Việt Nam đang ở thời kỳ bùng nổ nhưng không kém phần khó đoán, chất lượng tổng thể của phim là yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất có tác động đáng kể đến doanh thu.
“Ngoài yếu tố phim còn có yếu tố thời cuộc, trào lưu... Tôi lấy ví dụ một số phim thời đầu của dòng phim thị trường Việt bùng nổ, doanh thu khá cao nhưng nếu chiếu thời điểm này thậm chí có thể liệt vào hàng thảm họa,” ông Hoàng Tuấn cho hay.
Những năm gần đây, khán giả đại chúng Việt Nam đã quan tâm hơn tới dòng phim độc lập cùng như phim nghệ thuật, khi những phim này không chỉ chiếu tại những không gian nhỏ, đặc thù, mà được chiếu tại rạp thương mại. Nhìn chung, khán giả có thái độ đón nhận tích cực, cởi mở, đơn cử có “Bên trong vỏ kén vàng,” “Những đứa trẻ trong sương” hay “Muôn vị nhân gian” (phim Pháp của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng).
Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với “Culi không bao giờ khóc” - một phim Việt vừa thắng giải tại Liên hoan Phim Berlin trở về và cũng sắp công chiếu ngoài rạp.
Ở góc độ tổng quan, việc có đa dạng thể loại không chỉ ở dòng chủ lưu mà còn cả dòng phim độc lập, phim nghệ thuật là minh chứng cho điện ảnh trong nước đang đi theo hướng phát triển lành mạnh.
“Một nền điện ảnh thành công, có chất lượng cao là phải có tính đa dạng, phải thành công ở nhiều thể loại, nhiều mảng đề tài, nội dung, nhiều phong cách làm phim khác nhau, cả ở phim được coi là 'dòng chính' cũng như ở cả dòng phim độc lập, phim tác giả. Theo tôi, đó mới thực sự là nền móng, là những yếu tố chủ chốt của một nền điện ảnh phát triển," đạo diễn Bùi Trung Hải nhận định./.
Phim Việt thắng 2 giải tại Liên hoan Phim Venice, sẽ chiếu tại Việt Nam
"Mưa trên cánh bướm" với Tú Oanh đóng chính được nhận xét là tác phẩm độc đáo và sáng tạo về một cuộc đánh ghen kỳ lạ, có cả chất bi và hài kịch, xoay quanh thân phận của người phụ nữ tại Việt Nam.