Thành công của “Tiệc trăng máu” (hiện đã thu về hơn 100 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần ra rạp) đã đem lại sự phấn khích, tạo động lực lớn cho các nhà làm phim trong bối cảnh chịu tổn thất nặng nề do dịch COVID-19. Rõ ràng, khán giả chưa quay lưng lại với điện ảnh, miễn là có phim hay, chạm được tới cảm xúc người xem.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, “Tiệc trăng máu” một lần nữa cũng tạo nên tranh luận, phải chăng phim Việt thành công chủ yếu nhờ vào yếu tố kịch bản nước ngoài? Điểm lại những bộ phim Việt đạt doanh thu cao trên 80 tỷ đồng trong thời gian gần đây, dễ dàng nhận thấy có khá nhiều bộ phim dạng “remake,” tức được làm lại từ các bộ phim thành công của nước ngoài.
Trước “Tiệc trăng máu” (làm lại từ bản “Người quen xa lạ” của Hàn Quốc, phim gốc của Italy), các bộ phim thành công khác như “Em là bà nội của anh,” “Tháng năm rực rỡ” cũng đều là những tác phẩm làm lại từ kịch bản Hàn Quốc.
Đó cũng chính là lý do khiến Cục Điện ảnh mới đây phải tổ chức cuộc hội thảo nhằm mổ xẻ vấn đề kịch bản, đồng thời phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện” cho giai đoạn 2021-2015.
Lối mòn trong kịch bản
Theo nhiều nhà phê bình và biên kịch, một trong số những lý do khiến kịch bản phim Việt Nam còn thiếu hấp dẫn là chủ đề đi vào lối mòn, chưa thoát ra khỏi những đề tài và yếu tố gây hài quen thuộc. Thậm chí nhiều kịch bản thiếu yếu tố gây tò mò, lời thoại đôi khi còn khiên cưỡng, thiếu tự nhiên…
Do thị hiếu của phần đông công chúng nằm ở thể loại Rom-Com (romance-comedy: Hài-tình cảm), đôi khi khiến biên kịch phải chấp nhận làm những kịch bản quen thuộc, phải viết kịch bản như một lối mòn.
Đa số các phim điện ảnh Việt thành công hiện nay đều có các tình tiết gây cười. Khán giả Việt ra rạp hiện nay thường theo hai trường phái: Một là ưa thích phim tình cảm nhưng yếu tố hài phải mạnh, hai là phim hành động, võ thuật đơn giản, phim có tình tiết giật gân như "Hai Phượng."
Chính tình tiết gây hài vừa là yếu tố thêm thắt, vừa là yếu tố khó có thể thiếu nếu muốn phim bộ phim trở nên dễ xem với phần đông khán giả, từ đó dẫn đến doanh thu cao. Bên cạnh loại rom-com như “Cua lại vợ bầu” (191,8 tỷ đồng), “Em chưa 18” (171 tỷ đồng)... thì các bộ phim hành động kịch tính như sê-ri “Lật mặt” của Lý Hải cũng có những danh hài như Trường Giang, Mạc Văn Khoa, Kiều Minh Tuấn... bảo chứng cho tính giải trí của bộ phim.
Một trong những minh chứng của lối mòn chính là việc đưa yếu tố hài vào “30 chưa phải là Tết” mang đến cảm giác khá gượng ép.Trong phim, nhân vật của Trường Giang bị đập vào đầu và phải trải qua chuỗi vòng lặp của ngày hôm đó.
Do phải lặp đi lặp lại một tình huống, đất diễn nên các câu thoại của Mạc Đăng Khoa bị giới hạn. Trong phim này, Trường Giang có vai diễn sâu sắc hơn khi được đặt trong sự xích mích không chưa có lời giải đáp với cha đẻ mình. Điều đó vô tình khiến nhân vật của anh bộc lộ thái độ oán trách với người cha và tình thế mắc kẹt của bản thân nhiều hơn là nói các lời thoại dí dỏm. Bộ phim gửi đi thông điệp đề cao giá trị gia đình nhưng để người xem phải chán nản với kỳ vọng về một bộ phim hài “cười bể bụng.”
Khai thác hời hợt
Phim Việt dễ rơi vào tình trạng chỉ kể chứ không giải thích được, đôi khi dẫn đến những lời thoại khiên cưỡng, thiếu tự nhiên.
Câu chuyện của “Sắc đẹp dối trá” cũng là một ví dụ của sự hời hợt khi đề cập tới chủ đề chuyển giới, nhưng tác phẩm dường như cũng chỉ ăn theo câu chuyện cuộc đời của Hương Giang.
Những vấn đề đáng được phản ánh và tạo đất diễn như sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với người chuyển giới, sự đau đớn khi phẫu thuật thân thể mà người chuyển giới phải chịu, những ganh đua để có được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi hoa hậu cũng vô tình bị xem nhẹ, chỉ thể hiện qua một vài cảnh quay ngắn ngủn.
Trong phim, Dương đã đi thi hoa hậu “chui” bởi cuộc thi vốn không dành cho thí sinh có “đụng chạm dao kéo.” Tuy nhiên, nhân vật này lại thể hiện sự bất mãn khi bị tố là người đã phẫu thuật chuyển giới. Như vậy, kịch bản thể hiện sự lỏng lẻo và bất hợp lý khi đánh đồng thái độ dè bỉu người chuyển giới với chuyện làm sai luật, sai quy định.
Ở nhóm điện ảnh độc lập, “Ròm” là một bộ phim nghệ thuật được khen về mặt kỹ thuật, có ngôn ngữ điện ảnh trần trụi, ấn tượng theo hướng tân hiện thực, nhưng bị chê về kịch bản. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm từng nhận xét kịch bản của bộ phim là “chỉ dừng ở mức phác thảo và thiếu sức nặng.”
Phim chưa khai thác được động cơ của nhiều nhân vật và vô tình tạo ra sự ép buộc trong hành động của nhân vật. Bản thân nhân vật Ròm không có được sự phát triển từ khi bộ phim mở ra tới cảnh kết thúc cuối cùng.
Người xem cũng cảm thấy băn khoăn với thái độ tử tế mà bà Ghi dành cho thằng Ròm: Mắng mỏ Phúc khi cậu bắt nạt Ròm hay như khi bà đưa cậu đi khám bệnh. Nhà làm phim đã không lý giải gì thêm ngoài việc tiết lộ rằng bà từng có một đứa con trước đây, nhưng không rõ chuyện gì đã xảy ra với cô bé/cậu bé đó.
Những cái khó của biên kịch
Một trong những yếu tố làm nên thành công của “Tiệc trăng máu,” “Em chưa 18,” “Em là bà nội của anh”... là yếu tố truyền miệng, bất kể là rỉ tai trực tiếp hay xem nhiều review trên mạng. Và để có hiệu ứng truyền miệng tốt, bộ phim phải gợi được sự tò mò ở họ.
Nhà báo tự do mảng điện ảnh Nguyễn Minh Ngọc (hay được biết đến với biệt danh Ngọc Nick M) giải thích: “Khi khán giả đổ tiền ra rạp, họ sẽ quan tâm đến nhiều yếu tố, có thể đó là sự nổi bật về diễn viên, về giải thưởng về đề tài… Còn phim dù chỉn chu đến mấy mà không có yếu tố gây tò mò thì khó nên chuyện.”
Đây đều là những yếu tố khách quan để giúp một kịch bản chỉn chu được tỏa sáng, hoặc có dịp tiếp cận tới nhiều khán giả hơn, có cơ hội nghe phản hồi và phát triển hơn.
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất để có một kịch bản hay, điều quan trọng là phải xây dựng nhân vật tốt. Theo nhà biên kịch Bình Bồng Bột (nhà báo Trần Minh, biên kịch của “Tiệc trăng máu,” phim “Em và Trịnh” sẽ ra mắt năm 2021): “Nhân vật phải có một động lực, khao khát khiến tất cả khán giả đều hiểu và đồng cảm được. Ví dụ động lực trong Hai Phượng là đi tìm con - khao khát mà cả người đã có hay chưa có con đều hiểu.”
Lý do khách quan phát sinh trong quá trình quay phim cũng có thể gây ảnh hưởng tới kịch bản gốc. Nhà biên kịch Kay Nguyễn (“Cô Ba Sài Gòn,” “Người bất tử”...) từng chia sẻ với báo chí rằng đã cô phải sửa kịch bản 31 lần với “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ vì những lý do như không chọn được diễn viên phù hợp, chưa thỏa mãn với những cảnh quay từ kịch bản hiện tại...
Về phía cơ quan chức năng, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đồng tình rằng cơ chế kiểm duyệt phim tại Việt Nam từng rất gắt gao và cần minh bạch, rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho kịch bản phim được phát triển theo đúng chủ ý của mình.
Trong khi chờ Luật Điện ảnh hoàn thiện vào khoảng cuối năm 2021, lãnh đạo Cục đề nghị Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện tiến hành cấp phép phổ biến phim theo các quy tắc: Phân loại phim theo độ tuổi tùy vào các tình tiết có trong phim chứ hạn chế tối thiểu phải cắt, gọt phim, làm ảnh hưởng tới kịch bản gốc. Bên cạnh đó vẫn là các nguyên tắc nghiêm cấm nội dung phim vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo.
Ông cũng đồng tình rằng khái niệm mơ hồ như “vi phạm thuần phong mỹ tục” vẫn còn khó cụ thể hóa, hiện cách tối ưu nhất vẫn là mở cuộc trao đổi, tranh luận giữa các thành viên trong Hội đồng và đoàn làm phim.
Một vấn đề nữa mà ông Thành thừa nhận là những thành viên trẻ với tư tưởng mới và cởi mở đều rất ít và khó trụ lại lâu với Hội đồng. Hiện 50% thành viên trong hội đồng thẩm định (trong tổng số 11 thành viên) đều là người trên 60 tuổi.
Đây là cái khó mang tính khách quan bởi “các nhà biên kịch, nhà làm phim còn đang sung sức, cần dành thời gian đi làm phim, chứ không muốn phải dành ra 3 ngày mỗi tuần để đến Cục để ngồi duyệt phim. Vì thế nên tìm ra hội đồng trẻ trung, có tư duy mới là không hề đơn giản,” ông Thành cho biết./.