Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, trong tuần từ 7-13/2, dịch bệnh tay chân miệng và thủy đậu là các dịch bệnh thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và truyền thông trong tuần.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 7-13/2, có 56 lượt đăng tải thông tin liên quan đến chủ đề này trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Những bài viết này thu hút gần 400 lượt tương tác và nhiều bình luận về phòng bệnh nói trên, trong đó bệnh tay chân miệng được quan tâm nhiều nhất.
Báo điện tử VietnamPlus (cùng với baomoi.com, anninhthudo.vn, sức khỏe đời sống, bnews.vn là 5 trang tin tức, báo điện tử đăng tải nhiều nhất về các nội dung trên.
Tay chân miệng có ở tất cả các địa phương
Ngày 15/2, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh tay chân miệng hiện nay đã trở thành bệnh lưu hành, xuất hiện ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Nhìn lại quá khứ, trong năm 2012, số trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng rất nặng, với tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh đã giảm đi, số ca mắc bệnh nặng cũng giảm đi. Bên cạnh đó, việc cấp cứu điều trị đã tốt hơn.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2-5 và từ tháng 9-12.
Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam.
Từ đầu năm đến đầu tháng Hai, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tình hình mắc bệnh tay chân miệng tại một số nước trong khu vực châu Á trong năm 2016: Trung Quốc có hơn 2,1 triệu người, Singapore gần 40.000 ca mắc, Nhật Bản: gần 62.000 ca mắc, Việt Nam: 50.000 người.
Trong năm 2016, trên toàn quốc có hơn 50.000 ca mắc, giảm 16% so với 2015, số ca tử vong giảm hơn so với năm 2015.
10 địa phương có số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cao nhất trong cả nước trong năm 2016 gồm: Thành Phố Hồ Chí Minh (hơn 17.000 trường hợp), Gia Lai (hơn 12.000 trường hợp), Đắc Lắc (hơn 10.000 trường hợp), tiếp đó là Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bến Tre.
Chưa có vắcxin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Phân tích về công tác điều trị bệnh tay chân miệng, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, đến nay bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên mặc dù hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Vì vậy, người dân không nên chủ quan mà cần nắm tốt công tác phòng bệnh.
Số lượt thông tin đăng tải, tương tác và bình luận về bệnh thủy đậu và tay chân miệng. (Nguồn: SocialBeat)
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín.
Người dân không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất./.