Mùa Đông-Xuân với kiểu thời tiết nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển như bệnh thủy đậu, cúm, tay chân miệng, bệnh sởi… Nhiều người nghĩ đây là những bệnh nhẹ nên chủ quan trong công tác điều trị khiến bệnh nặng và trở nên nguy hiểm.
Điển hình như, hiện tại, các bác sỹ ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho một bệnh nhân nam, tuổi trung niên bị thủy đậu, do chủ quan đã để bệnh biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy.
Từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện của Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca bệnh mắc thủy đậu, từ người lớn đến trẻ mới sinh. Đáng lưu ý, có nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu vào đúng dịp Tết, khiến cái Tết của họ chỉ bó hẹp trong nhà.
7 ngày Tết cố thủ trong nhà vì thủy đậu
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, thông tin về dịch bệnh thủy đậu đang xuất hiện tại nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội là sự kiện y tế nổi bật nhất trong tuần thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 1-2/2, có 130 bài viết liên quan đến chủ đề này được đăng tải trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Những bài viết này thu hút rất nhiều lượt bình luận và tương tác.
Số lượt thông tin đăng tải và bình luận về bệnh thủy đậu từ ngày 5-8/2. (Nguồn: SocialBeat)
L.M.S (25 tuổi) chàng trai cao lớn ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, anh mắc bệnh thủy đậu vào đúng dịp nghỉ Tết và những ngày nghỉ Tết đồng nghĩa với việc cậu phải cố thủ trong nhà. Kênh giao tiếp phổ biến nhất với mọi người trong dịp này là thông qua mạng xã hội.
S. chia sẻ, cậu lây bệnh thủy đậu từ người hàng xóm. Khi biết người hàng xóm mắc bệnh thủy đậu, S. đã tránh tiếp xúc, một thời gian sau tưởng người hàng xóm kia đã khỏi S. mới đi nhậu cùng. Sau hôm nhậu đó 1 tuần, S. bắt đầu có những biểu hiện của bệnh thủy đậu. Vậy là từ 30 Tết đến mùng 10, S. phải ngồi một chỗ.
Không riêng gì S. mà có rất nhiều người tại Hà Nội hay trên toàn quốc đã bị mắc bệnh thủy đậu trong những ngày gần đây.
Dường như dịch thủy đậu đang bùng phát trong mùa Đông Xuân này, nhất là tại Hà Nội. Điều này khiến rất nhiều người dân lo lắng và quan tâm.
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, những chủ đề được mọi người chú ý về bệnh thủy đậu gồm: cách phòng bệnh, tình hình dịch bệnh thủy đậu đang diễn biến phức tạp, bệnh thủy đậu tấn công người lớn, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu…
Ùn ùn bệnh nhân thủy đậu
Những ngày này, tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Việt Nam-Cu Ba… đã ghi nhận nhiều trường hợp khám, nhập viện vì bệnh thủy đậu.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú. Có trường hợp nặng biến chứng cần nhập viện thì trong tháng vừa qua có khoảng 3-4 ca bệnh. Đó là các trường hợp như ở, bệnh nhân có thai, bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan trong công tác điều trị bệnh thủy đậu dẫn đến bệnh nặng, gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy…
Tại Bệnh viện E, trong một tháng trở lại đây, các bác sỹ của bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Điều đặc biệt là có khá nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh phải nhập viện.
Thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, tại bệnh viện đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.
Như vậy, có thể thấy, bệnh thủy đậu không trừ một ai, từ người lớn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… ai ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này.
Năm bước để phòng chống bệnh thủy đậu
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa Đông Xuân.Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.
Tiến sỹ Cường nhấn mạnh, bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường phân tích, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện năm biện pháp: Thứ nhất, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Thứ hai, những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thứ ba, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thứ tư, là thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Cuối cùng, mỗi người dân nên chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi./.