Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, do chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam đi qua Bắc bộ kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5.000m trên khu vực vùng núi phía Bắc nên những ngày qua tại tỉnh Điện Biên có mưa, mưa vừa và dông rải rác.
Đặc biệt tại huyện Mường Nhé có mưa to đến rất to; lượng mưa đo được tại trạm đo mưa tự động Quảng Lâm là 46mm, Đoàn Kết 97mm.
Dự báo, đến hết ngày 26/6, tại tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa và dông trên diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to.
Lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra trong toàn tỉnh, nguy cơ cao tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và vùng lân cận. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1.
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lũ, lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn đã khiến nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nhất là ở hai huyện Mường Nhé và Tủa Chùa.
Riêng tại huyện Mường Nhé, đã có 7 nhà tạm bị trôi, hơn 40 ngôi nhà bị sạt lở, ngập lụt; một số tuyến đường như Sen Thượng-Pa Ma, quốc lộ 4H (tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) bị sạt lở, ngập lụt không thể lưu thông được.
[Cập nhật tình hình lưới điện do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc]
Cầu treo bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn) bị đứt gãy; gần 6ha lúa bị vùi lấp; nhiều diện tích ao cá bị cuốn trôi, nhiều gia súc bị đất đá vùi lấp; một trường tiểu học bị ngập nặng; 5 cột điện của đường lưới điện trung áp, hạ áp bị gãy, đổ, sạt lở.
Trong ngày 25/6, hai xã Sín Thầu, Chung Chải mất thông tin liên lạc...
Còn tại huyện Tủa Chùa, mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt, nhiều thôn bản bị cô lập. Cụ thể, bản Huổi Lóng bị chia cắt, cô lập khi tuyến đường nối thôn Huổi Lóng với trung tâm xã Huổi Só và trung tâm xã Sín Chải có khoảng 10 điểm sạt lở với khối lượng lớn, gây tắc đường nghiêm trọng, không thể lưu thông.
Tuyến đường Sáng Tớ-Páo Tỉnh Làng (xã Sín Chải) bị tắc 2 điểm, ôtô không thể lưu thông; một số tuyến đường ở xã Tả Sìn Thàng cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Địa phương này đã có 6 ngôi nhà bị sạt lở, ngập lụt; gần 500m2 ao cá và gia súc bị cuốn trôi; một bờ kè đá của nhà văn hóa bị nứt, có nguy cơ vỡ kè...
Chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai cực đoan, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện về việc chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó thiên tai và khắc phục thiệt hại sau mưa lũ trên địa bàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý hồ, đập khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản tại các khu vực khi có thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, các huyện, thị xã, đơn vị bố trí lực lượng và chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng thiên tai, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm tại các khu vực bị chia cắt, khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng và tại địa điểm sơ tán; hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại theo chế độ, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương.
Đồng thời, các huyện, thị xã vận động và kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, đặc biệt lưu ý ở các khu vực hai bên sông, suối, hạ lưu các ao, hồ, đập; đảm bảo an toàn giao thông và thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai.
Các chủ hồ đập công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành điều tiết, duy trì mực nước hồ, dung tích phòng lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…/.