Điện Biên: Vượt khó "gieo chữ" nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ

Gần 20 năm với nghề giáo, cô Trịnh Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở Vàng Đán, đã "gieo mầm" hy vọng cho nhiều thế hệ học sinh nơi đây.
Điện Biên: Vượt khó "gieo chữ" nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ ảnh 1Một tiết học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở Vàng Đán, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Nậm Pồ là một huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Gắn bó nhiều năm với mảnh đất này, các thầy, cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn, mang con chữ đến với học sinh nơi đây.

Gần 20 năm với nghề giáo, cô Trịnh Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở Vàng Đán đã trải qua nhiều địa bàn xã ở huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ.

Cô đã "gieo mầm" hy vọng cho nhiều thế hệ học sinh nơi đây. Những con đường bùn đất lầy lội, những chuyến đi bộ cả ngày trèo đèo, lội suối để đến với điểm bản là những kỷ niệm không thể quên đối với cô.

Cô Trịnh Thị Thơm chia sẻ suốt thời gian công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, cô đã chứng kiến nhiều thầy, cô giáo trẻ lên công tác một thời gian đều xin chuyển về miền xuôi.

Thương các học sinh, cô đã chọn ở lại và gắn bó với mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Cuộc sống xa quê, một thân một mình không dễ dàng nhưng niềm vui của cô là mỗi ngày được nghe thấy tiếng cười trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên của các em học sinh vùng cao.

[Tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực Thủ đô]

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở Vàng Đán nằm trên địa bàn xã biên giới Vàng Đán, cách trung tâm huyện Nậm Pồ khoảng 20km. Trường có hơn 900 học sinh; trong đó hơn 650 học sinh bán trú; 7 điểm trường, điểm xa trung tâm nhất là bản Huổi Dạo (13km). Xã Vàng Đá có 7 bản, hơn 600 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 65%.

Theo cô Trịnh Thị Thơm, hiện nay, tại nhiều điểm trường, thầy trò vẫn đang phải học trong phòng học bán kiên cố. Trường đang thiếu giáo viên đứng lớp do một số thầy, cô giáo xin chuyển về xuôi.

Cụ thể, ở cấp Trung học Cơ sở, nhà trường không có giáo viên môn Tin học nên phải trưng dụng những giáo viên có trình độ công nghệ để giảng dạy; với môn tiếng Anh, phải thuê hợp đồng bên ngoài một giáo viên để giảng dạy. Đối với cấp Tiểu học, tỷ lệ giáo viên chỉ đạt 1,1/1,5 giáo viên/lớp. Nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn về phòng ở bán trú và trang thiết bị dạy học cho chương trình mới.

Nhận công tác ở Nậm Pồ khi vừa ra trường, cô Lường Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Bủng đã kết duyên với một chiến sỹ Biên phòng ở Đồn Biên phòng Nà Bủng.

Sau 10 năm công tác tại xã biên giới, tình yêu của cô với mảnh đất khó khăn này còn nguyên vẹn.

Nà Bủng là xã biên giới tiếp giáp với Lào; là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn về giao thông, đến nay, đường sá đã cơ bản thuận tiện về mùa khô. Cơ sở vật chất trường, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học; không còn nhà tranh tre, nứa lá; điện lưới quốc gia đã về bản. Tuy nhiên, do là xã biên giới khó khăn, cách xa thành phố, giao thông mùa mưa còn trở ngại, nhiều giáo viên lên nhận công tác ở Nà Bủng không muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Trường Mầm non Nà Bủng hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Số lượng học sinh nơi đây lên đến hơn 740 trẻ thuộc 28 nhóm lớp. Toàn trường chỉ có 31 giáo viên (tỷ lệ 1,1 giáo viên/lớp) khiến các cô rất vất vả trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ, ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Đặc biệt, lớp học 40 học sinh cũng chỉ có 1 cô giáo. Trước tình trạng trên, nhà trường đã rà soát, sắp xếp, bố trí lớp ghép ở các nhóm tuổi cho hợp lý; tăng số lượng học sinh trên lớp; vận động phụ huynh học sinh tại các điểm trường tham gia hỗ trợ trong việc nấu ăn và chăm sóc trẻ.

Điện Biên: Vượt khó "gieo chữ" nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ ảnh 2Việc thiếu giáo viên khiến Trường Mầm non Nà Bủng phải tăng số lượng học sinh trên lớp. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Năm học 2022-2023, toàn huyện Nậm Pồ hiện có 40 trường, 776 lớp với tổng số hơn 20.500 học sinh. Thời điểm hiện tại, huyện đã "xóa" thành công phòng học tạm, tranh tre, nứa lá nhưng vẫn còn nhiều phòng học bán kiên cố, ba cứng.

Trong số hơn 500 phòng ở nội trú, toàn huyện có hơn 70 phòng kiên cố, còn lại là phòng bán kiên cố. Tổng số giáo viên toàn huyện hơn 1.500 người; hiện vẫn còn thiếu khoảng 200 giáo viên, chủ yếu là cấp Mầm non, còn lại là giáo viên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở.

Nguyên nhân là do số lượng và tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp năm học sau đều tăng so với năm học trước, trong khi chỉ tiêu biên chế được giao còn hạn chế. Mặt khác, do Nậm Pồ là huyện nghèo, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở trường lớp học còn nhiều thiếu thốn nên số lượng giáo viên xin nghỉ, chuyển công tác hàng năm khá cao.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết là huyện vùng cao biên giới khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, các giáo viên công tác ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học khi phải sinh sống xa nhà, thiếu thốn mọi mặt về cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là các cô giáo mầm non.

Bên cạnh đó, đại bộ phận người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức về việc chăm sóc trẻ, cho con đi học còn nhiều hạn chế nên các giáo viên vùng cao rất vất vả trong việc huy động trẻ đến lớp.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ chỉ đạo các trường chủ động rà soát, sắp xếp giáo viên khoa học, hợp lý, tiết kiệm biên chế; tăng cường giáo viên cho những trường thiếu nhiều để đảm bảo chất lượng dạy và học; tăng cường học sinh trên lớp để giảm số lớp học.

Phòng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện tuyển dụng giáo viên, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục