Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, diện tích điều của các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đang giảm rất nhanh, chỉ còn gần 73.000ha, giảm gần 16.000ha so với năm 2015; trong đó giảm nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk, từ 33.292ha năm 2015 nay chỉ còn 18.597ha; kế đến là tỉnh Đắk Nông từ gần 20.000ha nay giảm xuống còn 14.812ha…
Diện tích điều giảm là do trước đây phần lớn diện tích điều được đồng bào các dân tộc sử dụng các giống thực sinh để trồng và qua nhiều năm điều đã già cỗi, thoái hóa, sâu bệnh hại phát triển mạnh, tỷ lệ đậu quả thấp nên năng suất ngày càng giảm. Thậm chí, một số vùng của Đắk Lắk như Ea Súp, Ea H’Leo 1ha điều chỉ cho thu hoạch chưa đến 1 tạ hạt.
Mặt khác, giá hạt điều trên thị trường không ổn định, liên tục giảm chỉ còn 50.000-54.000 đồng/kg nên nhiều địa phương đồng bào dân tộc đã chặt bỏ cây điều chuyển diện tích đất sang trồng càphê, tiêu hoặc các loại cây ngắn ngày khác như ngô lai, đậu đỗ… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Gia đình anh Hoàng Văn Long, ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có 1ha điều đã trồng hơn 10 năm, nhưng năm nào cũng ra “siêu lá” đậu quả không được bao nhiêu nên anh chặt bỏ chuyển sang trồng ngô lai, đậu đỗ. Mỗi năm, gia đình anh đạt thu nhập tăng thêm trên 30 triệu đồng.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên sớm tiến hành khảo sát, đánh giá lại diện tích điều hiện có, đồng thời quy hoạch cụ thể lại diện tích cây điều cho từng vùng, nhất là những vùng đất không chủ động được nguồn nước, đất gò đồi thích hợp với cây điều. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp cho đồng bào các dân tộc đầu tư cải tạo, thay đổi giống điều mới, điều ghép có năng suất, sản lượng cao.
Các ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, ghép, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo tán… nhằm đạt năng suất cao, tăng thêm thu nhập cho đồng bào góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến điều trên địa bàn./.