Tính đến thời điểm này, đã bước sang tuần thứ 7, học sinh toàn thành phố Hà Nội nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 lây lan.
Để giúp học sinh ôn luyện và học tập, củng cố kiến thức, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai Chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12.
Trước đó, nhiều trường học đã chủ động giao bài tập cho học sinh qua thư điện tử, mạng xã hội hoặc tổ chức dạy học trực tuyến.
[Triển khai dạy học trên truyền hình cho học sinh Hà Nội từ 19/3]
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hiện chưa xác định thời gian học sinh trở lại trường nên có ý kiến băn khoăn về việc đảm bảo chương trình học của khối 9 và khối 12 trước hai kỳ thi lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại một số trường Trung học phổ thông ngoài công lập, có ý kiến cho rằng nên giảm môn thi hoặc bỏ Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020.
Về Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2020-2021, có ý kiến đề xuất bỏ môn thi thứ tư để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên và học sinh trong bối cảnh thời gian ôn tập không còn nhiều.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, sớm ban hành đề thi minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường chủ động hơn trong việc giảng dạy và ôn tập.
Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường sẽ tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Phần kiến thức đã được học qua Internet và truyền hình sẽ được kế thừa, nhằm tối ưu thời gian, bảo đảm chương trình.
Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) - lại có ý kiến giữ nguyên số môn thi và hình thức tuyển sinh đối với cả hai kỳ thi.
Hình thức ôn tập và dạy kiến thức mới trên truyền hình được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai, tuy còn mới mẻ nhưng cũng đã góp phần củng cố, ôn luyện cho học sinh hai khối 9 và 12. Theo đó, nội dung đề thi cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của năm học này.
“Khi học sinh đi học trở lại, chúng tôi sẽ cho rà soát, củng cố lại những kiến thức mới học sinh đã học online hoặc trên truyền hình theo hướng cô đọng, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh để đảm bảo chất lượng đồng đều, không để bỏ lại phía sau một học sinh nào. Tiếp đó, sẽ tiếp tục giảng dạy để đảm bảo thời gian và chương trình học,” ông Lê Trung Kiên cho biết.
Việc học sinh tiếp tục nghỉ học do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 và Trung học phổ thông quốc gia lo lắng vì bình thường đến hết tháng 3, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình học và bắt đầu chuyển sang ôn tập.
Mặc dù lượng kiến thức mới của lớp 12 không quá nhiều, song thời gian thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 được điều chỉnh đến lần thứ 2 cũng gây tâm tư không nhỏ.
“Tôi không mong sẽ bớt môn thi nhưng nên giảm tải chương trình học trong mỗi môn học. Nội dung đề thi cũng cần xây dựng dựa trên cơ sở thực tế. Việc này sẽ giúp cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh bớt lo lắng, áp lực,” chị Đinh Thanh Hà có con học lớp 12 chia sẻ.
Tuy nhiên, đa số phụ huynh đồng thuận và cho rằng việc học sinh nghỉ học do dịch bệnh là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tránh lây lan cho cộng đồng.
“Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội với 4 môn thi của năm học trước làm rất tốt. Do đó, tôi tin rằng với tình hình hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những quyết định phù hợp, giảm tối đa khó khăn và áp lực lên xã hội,” chị Nguyễn Anh Phương có con học lớp 9 cho biết.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần thứ hai. Theo đó, thời điểm kết thúc năm học được kéo giãn trước ngày 15/7/2020. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 được tổ chức từ ngày 8-11/8.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến; đồng thời, rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng; không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết./.