Điều chỉnh lại anten để khắc phục tín hiệu truyền hình số chập chờn

Trong trường hợp cường độ tín hiệu mạnh có thể chỉ cần anten trong nhà và ở nơi yếu cần có anten ngoài trời. Thậm chí có nơi phải đặt ở những vị trí cao để thu tín hiệu truyền hình số mặt đất.
Điều chỉnh lại anten để khắc phục tín hiệu truyền hình số chập chờn ảnh 1Trong cùng một ngôi nhà, tầng 1 bắt tín hiệu truyền hình số kém, song tầng 2 có thể tín hiệu đã tốt hơn nhiều. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thời gian gần đây, phóng viên VietnamPlus nhận được phản ánh của một số người dân về việc gặp khó khăn khi thu tín hiệu truyền hình số.

Anh Phạm Hưởng (ngõ 637, Hà Nội) cho hay, kể từ khi nhận được thông tin về việc Hà Nội sẽ tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (Analog) từ ngày 15/8, anh đã mua chiếc đầu thu kỹ thuật số để lắp thêm vào chiếc tivi trên phòng ngủ, bảo đảm không bị gián đoạn tín hiệu truyền hình.

Được người bán giới thiệu, anh Hưởng đã mua thêm một chiếc anten nhỏ để nối vào đầu kỹ thuật số, phục vụ việc thu tín hiệu.

Tuy nhiên, khi mang về nhà lắp đặt và dò kênh, chiếc đầu thu tín hiệu kỹ thuật số mặt đất dù bắt được nhiều kênh, song một số kênh không mở được hoặc tín hiệu phát ra tivi chập chờn, bị dừng hình. Đặc biệt trong đó có những kênh gia đình yêu thích như VTV3, VTV1…

Giống như anh Hưởng, ông Nguyễn Vương (Thanh Trì, Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự.

"Cứ tưởng mua đầu kỹ thuật số về nhờ người lắp đặt vào anten trong nhà, song nhiều kênh xem bị dừng hình khiến tôi phải mua anten dàn, nhờ thợ về lắp và dò lại để xem được các kênh miễn phí," ông Vương nói.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam cho hay, về nguyên tắc việc thu tín hiệu truyền hình số hay truyền hình tương tự sẽ thành công nếu thiết bị thu được lắp đặt đúng, anten đón nhận được năng lượng từ đài phát.

Cụ thể, sóng truyền hình phải trong tầm nhìn thẳng đến máy thu, anten thu phải “nhìn được” anten phát. Tức là, anten phải nằm ở vị trí thông thoáng và không bị cản.

Ví dụ như cũng anten được lắp đặt ở độ cao đó nhưng ở vị trí phía trước có chướng ngại vật (như tòa nhà cao tầng, kết cấu sắt thép…) thì có thể ảnh hưởng đến việc thu tín hiệu. Song, cũng thiết bị như vậy mà ở khu vực bằng phẳng thì tín hiệu sẽ tốt hơn.

Do đó, vị chuyên gia này cho biết để thu được tín hiệu tốt nhất, người dân phải chỉnh anten ở vị trí đủ cao, thoáng, hướng về phía đài phát. Thậm chí, chỉ cần jack cắm nếu tiếp xúc không tốt cũng khiến suy hao, giảm tín hiệu.

Ngoài ra, người dân cần mua đầu thu và anten ở những cơ sở đảm bảo uy tín, được nhà nước cấp phép để đảm bảo thiết bị có chất lượng tốt, ổn định. Trong trường hợp không được, người dân cần yêu cầu đội ngũ lắp thiết bị có kinh nghiệm hướng dẫn cụ thể.

Đồng tình, một chuyên gia trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện cũng cho hay, việc sử dụng anten như thế nào phụ thuộc vào cường độ tín hiệu của từng điểm. Trong trường hợp cường độ tín hiệu mạnh thì có thể chỉ cần anten trong nhà, và ở nơi yếu cần có anten ngoài trời, thậm chí có nơi phải đặt ở những vị trí cao để thu tín hiệu truyền hình số mặt đất.

Trước đó, việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (Analog) tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã được tiến hành từ ngày 15/8. Các địa phương này đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất.

Số lượng kênh chương trình truyền hình miễn phí mà người dân có thể xem lên tới 70 kênh, trong đó có 6 kênh HD. Tại Hà Nội, Hải Phòng, người dân có thể xem 45 kênh SD, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, khán giả có thể xem 65 kênh SD.

Một lãnh đạo của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đang tiếp nhận các thông tin phản hồi của người dân về những vấn đề kỹ thuật nảy sinh. Sau đó, sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số khảo sát nhu cầu, xử lý các vấn đề kỹ thuật nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục