Sáng 23/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3. Cuộc họp được tổ chức sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, hiệu lực từ 23/9.
Tín dụng tăng 10,47%
Thông tin tại họp báo, bà Hà Thu Giang-Vụ phó Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
[Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một loạt mức lãi suất điều hành thêm 1%]
Đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi tiết về cơ cấu, bà Giang cho hay tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng cao hơn nhiều cùng kỳ 2 năm dịch COVID-19, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.
Cụ thể, tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,31%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%; ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,72%. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao cũng xuất hiện ở một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động dịch vụ khác.
Bà Giang cho biết thêm tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Nói thêm về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2022 và có thể xem xét điều chỉnh nếu cần thiết. “Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm, nên hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%,” ông Tú nhấn mạnh.
Việc điều hành chính sách tín dụng không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề hiệu quả cho năm 2023, bởi theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, năm tới dự báo cũng sẽ là một năm khó khăn và nhiều áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ.
Không để VND mất giá quá nhiều
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, áp lực lạm phát gia tăng. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những kết quả tăng trưởng nhất định, lạm phát được kiểm soát, đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ.
Chín tháng qua, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%). Trong số đó, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).
Ngày 22/9, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%...
Ông Quang cho rằng khác với trước, đây là "cuộc chiến tiền tệ" giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt.
“Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu trong khi các nước trên thế giới đều điều chỉnh tăng sẽ gây áp lực lớn tỷ giá và gây áp lực lên nền kinh tế vĩ mô,” ông Quang nhấn mạnh.
Thông tin thêm về động thái tăng lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết động thái này đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Đây là công cụ điều hành, khi cần tăng sẽ điều chỉnh tăng, khi cần giảm sẽ giảm để đảm bảo mục tiêu chung, thích ứng với tình hình mới.
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
"Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại giảm chi phí chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Chúng ta đang làm tốt giải pháp này. Điều này được thể hiện qua con số 52.000 tỷ đồng từ miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19," Phó Thống đốc thông tin.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu./.