Điều tra quốc tế: Tên lửa bắn rơi MH17 là của lữ đoàn phòng không Nga

Các nhà điều tra lần đầu tiên xác định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 thuộc về lữ đoàn phòng không số 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc Nga).
Điều tra quốc tế: Tên lửa bắn rơi MH17 là của lữ đoàn phòng không Nga ảnh 1Hiện trường vụ máy bay MH17. (Nguồn: Reuters)

Các nhà điều tra thuộc Đội Điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Australia, Malaysia, Bỉ và Ukraine, lần đầu tiên xác định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hồi tháng 7/2014 thuộc về lữ đoàn phòng không số 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc Nga).

Trong buổi công bố kết quả điều tra trước báo giới tại Hà Lan ngày 24/5, JIT cho biết căn cứ vào những hình ảnh và đoạn băng ghi hình mà nhóm điều tra có được, đội điều tra đã tái dựng được đường bay của tên lửa Buk từ khu vực Kursk hướng tới biên giới đi vào lãnh thổ Ukraine.

Nhà điều tra hàng đầu của Hà Lan, Wilbert Paulissen khẳng định đây là chứng cứ thuyết phục để nhóm điều tra đưa ra kết luận trên.

Ngoài ra, cuộc điều tra, do Hà Lan đứng đầu, đang tập trung điều tra 100 đối tượng tình nghi có "vai trò tích cực" trong vụ việc, song không công khai danh tính của cá nhân này.

[Phi công bị cáo buộc bắn rơi máy bay Malaysia Airlines MH17 đã tự sát]

Hiện, các nhà điều tra công khai việc xác định hai đối tượng tình nghi có bí danh là Orion và Delfin sau khi thu giữ được đoạn ghi âm hội thoại vào thời điểm trước và sau khi máy bay bị bắn hạ. Theo trưởng nhóm điều tra JIT, Fred Westerbeke, cuộc điều tra sẽ vẫn tiếp diễn.

Phía Nga hiện chưa có phản ứng trước thông tin trên.

Trước đó, hồi năm 2016, Cơ quan hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia) từng lên tiếng phản bác bản báo cáo cuối về vụ tai nạn của máy bay MH17.

Rosaviatia đã nêu "những luận điểm mới và quan trọng, chỉ ra sự thiếu tin cậy trong báo cáo cuối cùng (của Hà Lan), nếu cho rằng máy bay bị một tên lửa phòng không Buk bắn hạ." Chuyên gia Nga thu được các dẫn chứng này khi tiến hành những thí nghiệm và nghiên cứu bổ sung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.