Đình chỉ nhiều quan chức dính líu đến vụ bê bối của FIFA

Trước những nghi vấn mới xuất hiện trong vụ điều tra bê bối của FIFA, ngày 1/6, thêm nhiều quan chức đã bị bắt giữ, đình chỉ hoặc cấm hoạt động.
Đình chỉ nhiều quan chức dính líu đến vụ bê bối của FIFA ảnh 1Tổng Thư ký CONCACAF Enrique Sanz đã bị đình chỉ công tác. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 2/6, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) thừa nhận vụ chuyển 10 triệu USD cho cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner, song bác bỏ thông tin nói rằng Tổng Thư ký FIFA Jerome Valcke có dính líu tới vụ này .

Tuyên bố của FIFA được đưa ra sau khi tờ New York Times ngày 1/6 đưa tin, trong cáo trạng trình lên tòa án liên bang ở Brooklyn, thành phố New York, Mỹ tuần trước, Tổng Thư ký FIFA Jerome Valcke được miêu tả là một "quan chức cấp cao FIFA" đã chuyển cho ông Jack Warner, khi đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc-Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF), tổng số tiền lên tới 10 triệu USD qua ba lần chuyển khoản hồi năm 2008.

Theo các nhà điều tra Mỹ, khoản 10 triệu USD là tiền hối lộ mà ông Warner và phó của ông này, Chuck Blazer, được nhận để đổi lấy việc ủng hộ Nam Phi trở thành chủ nhà của World Cup 2010. Tuy nhiên, Nam Phi đã kịch liệt bác bỏ thông tin trên.

Theo phát ngôn viên FIFA, năm 2007, Chính phủ Nam Phi đã thông qua một dự án trị giá 10 triệu USD hỗ trợ cộng đồng người Do Thái châu Phi ở các nước vùng Caribe, như một phần của chương trình di sản World Cup 2010.

Liên đoàn bóng đá Nam Phi (SAFA) đề nghị Chủ tịch CONCACAF Jack Warner trực tiếp quản ký và thực hiện Quỹ "Chương trình di sản cộng đồng Do Thái" 10 triệu USD này, do đó khoản tiền được chuyển cho ông Warner với tư cách là người được ủy thác của quỹ.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính FIFA Julio Grondona, người đã mất hồi năm ngoái, đã cấp phép cho các cuộc chuyển tiền này theo đúng những quy định của tổ chức. Tuyên bố của FIFA cho biết Tổng Thư ký Valcke và các quan chức quản lý khác không liên quan gì tới vụ việc này.

Trước những nghi vấn mới xuất hiện trong vụ điều tra, ngày 1/6, thêm nhiều quan chức đã bị bắt giữ, đình chỉ hoặc cấm hoạt động.

Tại Zurich, Thụy Sĩ, Tổng Thư ký CONCACAF Enrique Sanz đã bị đình chỉ công tác, hai quan chức của Hiệp hội bóng đá Congo cũng bị ủy ban đạo đức của FIFA cấm hoạt động. Tại Paraguay, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ Nicolas Leoz bị quản thúc tại gia do dính líu đến vụ việc. Công tố viên Brazil cũng tiến hành điều tra cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này với một số cáo buộc trong đó có rửa tiền và lừa đảo.

Hiện Mỹ và Thụy Sĩ đang tiến hành hai cuộc điều tra về các nghi vấn nhận hối lộ của các quan chức FIFA. Cảnh sát Thụy Sĩ mới đây cũng khởi tố hình sự một nhóm tội phạm rửa tiền trong thời gian bầu chọn nước chủ nhà cho các giải vô địch bóng đá thế giới 2018 và 2022.

Cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner là một trong 14 quan chức bóng đá gồm lãnh đạo FIFA, lãnh đạo liên đoàn bóng đá các nước thành viên và nhà quản lý doanh nghiệp bị buộc tội tham gia đường dây phạm tội dính líu đến nhận hối lộ hơn 150 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục