Đình công ở châu Âu: Nan giải bài toán giảm căng thẳng xã hội

Tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở "lục địa già" khiến làn sóng đình công, biểu tình đang lên mức đỉnh điểm.
Đình công ở châu Âu: Nan giải bài toán giảm căng thẳng xã hội ảnh 1Tuần hành phản đối kế hoạch cải cách lương hưu tại Paris, Pháp, ngày 31/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nghiệp đoàn Pháp đã huy động số lượng người kỷ lục tham gia những cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong khi Anh chứng kiến làn sóng đình công lớn nhất trong hơn một thập niên khi có tới nửa triệu người xuống đường đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Các hoạt động này diễn ra liên tục gây gián đoạn nghiêm trọng nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội tại hai quốc gia hàng đầu châu Âu.

Đây có thể coi là đỉnh điểm của làn sóng đình công, biểu tình vốn lan rộng ở châu Âu từ cuối năm ngoái tới nay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xã hội do tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở "lục địa già."

[Nguy cơ gián đoạn nhiều dịch vụ vận tải do đình công tại Pháp]

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 757.000 người đã tham gia cuộc tổng đình công ngày 7/2 trên toàn nước Pháp, riêng ở thủ đô Paris hơn 57.000 người xuống đường.

Đây là đợt tổng đình công thứ ba ở Pháp để phản đối dự luật cải cách hưu trí kể từ khi dự luật này được công bố giữa tháng 1 vừa qua.

Trong đợt đình công toàn quốc thứ hai diễn ra ngày 31/1, Bộ Nội vụ Pháp cho biết hơn 1,27 triệu người, trong khi Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) khẳng định khoảng 2,8 triệu người tham gia các cuộc biểu tình tại Paris, Marseille, Lyon, Nantes và nhiều thành phố trên cả nước.

Trước đó, từ cuối năm ngoái, hàng loạt cuộc đình công của người lao động Pháp để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang đã gây gián đoạn nhiều dịch vụ vận tải, đặc biệt là hàng không ở nước này.

Trong khi đó, tổng đình công tại Anh là sự kết hợp chương trình của nhiều nghiệp đoàn, như giáo viên, nhân viên y tế, lái tàu và thành viên của Liên minh Dịch vụ công cộng và thương mại (PCS).

Cuối năm ngoái, Anh đã chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử của nhân viên Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cuộc đình công của lái xe cứu thương lớn nhất trong 3 thập niên.

Cùng thời điểm đó, diễn ra hàng loạt cuộc đình công tương tự của nhân viên ngành hàng không Đức, Bồ Đào Nha, nhân viên ngành đường sắt Áo, Hà Lan, nhân viên các ngành vận tải Bỉ, Hà Lan; nhân viên nhiều ngành dịch vụ ở Tây Ban Nha...

Tuy nhiên, đình công ở Pháp và Anh có quy mô lớn và kéo dài nhất.

Tại Pháp, sau 3 đợt tổng đình công toàn quốc ngày 19/1, 31/1 và 7/2, các nghiệp đoàn đã kêu gọi người lao động tiếp tục hưởng ứng “phong trào phản kháng” với cuộc biểu tình tiếp theo được ấn định vào ngày 11/2.

Tại Anh, sau cuộc đình công lớn ngày 1/2 với sự tham gia của khoảng 300.000 giáo viên, Liên hiệp giáo dục quốc gia (NEU), tổ chức công đoàn của giáo viên Anh, cũng lên kế hoạch tổ chức chuỗi 6 ngày đình công tiếp vào tháng Hai và tháng Ba.

Làn sóng đình công, biểu tình ở châu Âu bùng phát sau khi giá năng lượng và điện, khí đốt tăng cao kỷ lục hồi năm ngoái, dẫn tới chi phí sinh hoạt và lạm phát leo thang, khiến đời sống người dân khó khăn, trong khi một số chính phủ chưa tìm được biện pháp giải quyết triệt để.

Tại Pháp, người dân biểu tình đòi chính phủ từ bỏ kế hoạch cải cách hưu trí, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên 64 vào năm 2030, đồng thời tăng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động từ 42 lên 43 năm để có thể được hưởng lương hưu toàn phần trong khi mức lương tối thiểu cho toàn bộ những người nghỉ hưu sẽ được nâng lên mức 1.200 euro/tháng, tức là cao hơn hiện tại 100 euro.

Dự luật được cho là cấp thiết không chỉ bởi cho đến nay, Pháp vẫn là một trong những nước châu Âu có độ tuổi về hưu thấp nhất (tuổi 62) so với Đức, Bỉ, Tây Ban Nha (tuổi 65) và Đan Mạch (tuổi 67), mà còn do quỹ an sinh xã hội của nước này đang đứng trước nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng trong thập niên tới.

Tuy nhiên, người lao động Pháp cho rằng kế hoạch cải cách hưu trí này thiếu công bằng và không đảm bảo quyền lợi của họ.

Ở Anh, các nhà phân tích đồng tình rằng suy thoái kinh tế, lạm phát cao kỷ lục 2 chữ số làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với thu nhập thực tế của người lao động giảm mạnh, khiến hàng trăm nghìn người xuống đường đình công.

Đình công ở châu Âu: Nan giải bài toán giảm căng thẳng xã hội ảnh 2Nhân viên y tế đình công bên ngoài Bệnh viện Trường đại học Aintree ở Liverpool, Tây Bắc Anh ngày 6/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Viện nghiên cứu tài khóa (IFS), tiền lương thực tế của giáo viên ở Anh giảm 9-10% từ năm 2010 đến 2022, trong khi NEU ước tính lương cho giáo viên có kinh nghiệm đã giảm 23% kể từ năm 2010 sau khi tính lạm phát.

Lương của giảng viên đại học giảm 20% kể từ năm 2009, lương thực tế của các bác sỹ sau khi tính lạm phát đã giảm 26%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề sâu xa hơn mà nước Anh đang đối mặt là sự thiếu hụt nhân lực mang tính chiến lược, tất cả các ngành từ đường sắt đến y tế đều phụ thuộc vào sự tự nguyện làm thêm giờ của nhân viên.

Làn sóng đình công, biểu tình rộng khắp đã làm tê liệt hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội ở các nước.

Theo các thống kê, ngày 31/1, chỉ có từ 25-30% chuyến tàu TGV tại Pháp được thực hiện so với ngày thường. Tại thủ đô Paris, các tàu điện ngầm đã giảm hoạt động tối đa.

Lĩnh vực năng lượng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đình công diễn ra khắp các cơ sở nhiên liệu và nhà máy lọc dầu. Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết các trường học của thủ đô Paris đã đóng cửa ngày 31/1.

Cuộc đình công của nhân viên hàng không Đức chỉ kéo dài 1 ngày (25/1) cũng khiến hơn 35.000 hành khách bị ảnh hưởng do khoảng 300 chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn.

Tại Anh, 85% số trường học ở England và xứ Wales phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, hơn 2,5 triệu sinh viên chịu ảnh hưởng, hơn 120 cơ quan chính phủ và các cửa khẩu xuất nhập cảnh gián đoạn hoạt động và 70% các tuyến dịch vụ đường sắt tạm dừng dịch vụ.

Ước tính các cuộc đình công khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong 8 tháng tính đến tháng 1/2023 giảm 0,1%, tương đương 2 tỷ USD.

Hiệp hội ngành khách sạn UKHospitality ước tính các cuộc đình công ngành đường sắt khiến việc đi lại bị gián đoạn, gây tổn thất 2,5 tỷ bảng cho ngành này.

Ngành y tế cũng chịu tổn thất không nhỏ khi các ca phẫu thuật bị trì hoãn, cuộc đình công của lái xe cứu thương tháng 12/2022 khiến các bệnh nhân đột quỵ phải chờ hơn 90 phút để gọi được xe cấp cứu.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định làn sóng đình công kéo dài khiến nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng ở châu Âu, dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Giới chức Pháp lo ngại những bất ổn hiện nay có thể kích động một làn sóng bất mãn mới tương tự như phong trào Áo vàng cách đây vài năm.

Tại Cộng hòa Séc, việc nền kinh tế  rơi vào suy thoái sau 2 quý GDP giảm liên tiếp, trong khi khủng hoảng năng lượng vẫn là vấn đề gây bức xúc, có thể dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ đòi chính phủ từ chức như từng diễn ra cuối năm ngoái.

Tại Bulgaria, kinh tế suy giảm, lạm phát lên tới mức cao nhất trong 24 năm và thiếu hụt khí đốt được cho là một phần nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, khiến Tổng thống Rumen Radev ngày 2/2 phải ký sắc lệnh giải tán quốc hội, chỉ định chính phủ lâm thời và ấn định cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào tháng Tư.

Nỗ lực giải quyết căng thẳng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Các bộ ngành ở Anh phải theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng," trong khi Thủ tướng Rishi Sunak đã tuyên bố “cánh cửa luôn mở” đối với các nghiệp đoàn nhưng cũng nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là giải quyết vấn đề lạm phát và không thể tăng lương ở mức thúc đẩy lạm phát.

Mặc dù nhiều khu vực công đã được đề nghị tăng lương 4% hoặc 5% cho năm tài chính hiện tại, song các nghiệp đoàn yêu cầu mức tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát hằng năm, hiện ở mức 10,5% vào tháng 12/2022.

Tại Pháp, các bên liên quan tới nay vẫn giữ lập trường hết sức cứng rắn, khó thỏa hiệp, cho thấy mức độ khó khăn mà Chính phủ Pháp vấp phải trong nỗ lực thông qua chương trình cải cách gai góc nhất này.

Trong bối cảnh vòng xoáy bất ổn về kinh tế-địa chính trị, thị trường lao động bị thắt chặt và lạm phát tăng cao đang tác động trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người dân châu Âu, việc tìm giải pháp cho những vấn đề này càng trở nên bức thiết và đây đang là bài toán nan giải làm đau đầu nhiều chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.