Suốt một thời gian dài cạnh trạm bơm số I của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum tại thôn Kon Sơm Lam 1 trên đường Đào Duy Từ, thuộc phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) xuất hiện một bãi rác tự phát.
Bãi rác này không những gây ô nhiễm môi trường khu dân cư mà còn tác hại hơn là có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân của thành phố Kon Tum.
Rác tự phát “lớn” từng ngày
Bãi rác tự phát trên được người dân “tập kết” tại điểm trũng nhất của tuyến đường. Con đường Đào Duy Từ nhỏ nhưng các bao rác ném cạnh trạm bơm lên đến cả trăm bao, chúng “lớn” từng ngày, lấn ra cả mặt đường và chen xuống suối trước khi theo dòng nước chảy ra sông Đăk Bla.
Không chỉ rác mà cả xác động vật, bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu cũng được những người dân ném bỏ tại đây.
Ruồi nhặng bu kín điểm tập kết rác này. Nước bẩn từ rác cứ len lỏi chảy xuống suối trước khi hòa vào dòng Đăk Bla cách đó khoảng 50m.
Anh Đinh Đức Vinh, công nhân trạm bơm 1 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum), người công tác lâu năm tại đây cho biết: “Bãi rác ở đây được hình thành khoảng chừng 4 năm nay. Mới đầu người đổ rác ít nhưng sau cứ tăng dần. Giờ đi qua mùi bốc rất khó chịu. Người dân khi qua điểm này thường tiện tay ném bì rác luôn. Ngày trước cũng có thấy bên môi trường đô thị cho xe hót nhưng biện pháp đó cũng tạm thời. Cứ cách 2-3 ngày đống rác lại mọc lên. Chính quyền cũng đã cắm biển cấm đổ rác nhưng giờ biển cũng mất. Mong các cơ quan chức năng xem xét để giải quyết giúp điểm việc xả rác thải bừa bãi ở cạnh khu vực trạm bơm.”
Theo như lời anh Vinh nói thì rõ ràng bãi rác tự phát trên đã hình thành từ lâu, thành phố Kon Tum đã biết nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm vấn đề này.
Trước đó, vào cuối năm 2014 vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum cũng đã có văn số 477/CTCN-KT-VT gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum và phường Trường Chinh kiến nghị về việc đổ rác gây ô nhiễm nguồn nước tại trạm bơm 1.
Trước sự việc trên, ông Hồ Văn Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum cũng thừa nhận: thành phố cũng đã có chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực trên. Phường Trường Chinh cũng đã tổ chức tuyên truyền, cắm biển cấm đỗ rác nơi này nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, người dân vẫn đổ rác.
Lo cho nguồn nước sinh hoạt
Ông Văn Hải Chánh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum cho biết theo quy định tại công trình thu nước thì các điểm xả (rác và nước) phải cách công trình thu nước ít nhất là 300m (bất kể ở thượng hay cuối nguồn) nhưng tại bãi rác này thì khoảng cách bãi rác chưa đến 100m là không đúng quy định. Tuy nhiên bãi rác nằm ngoài sự quản lý của đơn vị.
Không chỉ rác nằm gần điểm hút nước mà nước từ bãi rác chảy xuống suối ra sông Đăk Bla cũng chỉ cách điểm hút vài mét. Tại điểm thu nước, cả một khoảng rộng do lực hút nên tất cả nước quanh ống hút đều bị hút cuộn tròn trước khi theo ống vào hệ thống xử lý.
Theo ông Văn Hải Chánh cho biết bãi rác tự phát của nhân dân đổ gần trạm bơm cấp nước của thành phố Kon Tum thì công ty cũng đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Tài Nguyên môi trường.
Các cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo phường Trường Chinh, Công ty Môi trường và đô thị Kon Tum cùng phòng tài nguyên môi trường thành phố xuống để xử lý và cắm biển cấm đổ rác.
Công ty môi trường cũng dọn đổ nhưng do ý thức của người dân mà sự việc này tái đi tái lại nhiều lần nên đến nay vẫn chưa khắc phục được. Công ty sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vụ việc này.
Trong khi đó, tại công văn số 477 thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum khẳng định việc đổ rác trên đã gây ô nhiễm môi trường khu vực khu dân cư ở đây cũng như làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mặt tại công trình thu nước trên sông Đăk Bla.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên thì tại đây không chỉ có rác mà bên kia đường đây cũng là điểm nhận nước thải của dân cư khu vực (điểm trũng), chảy qua cống rồi hoà vào dòng suối nơi tập kết rác trước khi chảy ra sông Đăk Bla.
Trước sự việc tái diễn liên tục, ông Hồ Văn Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum cho biết trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ đặt hàng cho Công ty môi trường đô thị tổ chức thu gom rác nơi này. Cụ thể sẽ tìm kiếm điểm tập kết, đặt thùng đựng rác quanh khu vực trên để tạo thuận lợi người dân vứt rác cũng như công tác thu gom rác.
Mỗi ngày có gần 10.000 hộ dân sử dụng từ 8.000-9.000m3 nước từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Kon Tum cung cấp./.