Đô thị hóa ảnh hưởng đến phát triển của “con rồng kinh tế” châu Á

Đô thị hóa đã biến khu vực châu Á trở thành "Con rồng kinh tế," tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững, quan trọng nhất phải lập kế hoạch xây dựng các thành phố thích ứng cao một cách cẩn thận.
Đô thị hóa ảnh hưởng đến phát triển của “con rồng kinh tế” châu Á ảnh 1Đô thị hóa đã biến khu vực châu Á trở thành 'Con rồng kinh tế.' (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Châu Á được đánh giá là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với dân số thành thị đã tăng thêm một tỷ người từ năm 1980 đến năm 2010. Hậu quả của sự thay đổi này đã làm gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên quan trọng như năng lượng, nước và thực phẩm.

Một điều cần lưu ý là, mặc dù sự gia tăng đô thị hóa đã biến khu vực châu Á trở thành "Con rồng kinh tế," tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững, quan trọng nhất phải lập kế hoạch xây dựng các thành phố thích ứng cao một cách cẩn thận, không chỉ sử dụng tài nguyên hiệu quả mà còn thúc đẩy chất lượng cuộc sống.

Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại đàn Powering Progress Together do hãng Shell tổ chức mới đây tại Manila. Sự kiện này đã thu hút 300 đại biểu, các chuyên gia nghiên cứu về thành phố thông minh và tính thích ứng cao trong khu vực.

Nằm trong khuôn khổ cuộc thi Shell Eco-marathon châu Á tổ chức hàng năm cho sinh viên, diễn đàn năm nay có chủ đề "Tính thích ứng cao trong bối cảnh đô thị hóa" do nhà báo phát thanh quốc tế Maryam Nemazee làm chủ tọa.

Để giải quyết những thách thức này, diễn đàn Powering Progress Together tổ chức các buổi thuyết trình, phỏng vấn và thảo luận tương tác với các chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: Ngài Asif Ahmad (Đại sứ Anh tại Philippines), bà Saya Kitasei (Giám đốc Kế hoạch Thích ứng tại công ty tư vấn môi trường quốc tế Xyntéo), tiến sỹ Glynn Ellis (Cố vấn chiến lược năng lượng, Tập đoàn Shell), Kiến trúc sư Felino "Jun" Palafox...

Theo tiến sĩ Glynn Ellis, chuyên phân tích và tìm hiểu các kịch bản năng lượng tương lai nhằm kiểm tra và củng cố các quyết định kinh doanh hiện tại của tập đoàn Shell, đô thị hóa sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai, chứa đựng cả cơ hội lẫn rủi ro.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng kịch bản (Shell Scenarios), gần đây Shell đã công bố báo cáo "Những lăng kính mới về các thành phố tương lai." Đây là nghiên cứu mới nhất trong loạt các công cụ phân tích mới mang tên "lăng kính" - giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thế giới đô thị hóa, hỗ trợ lập kế hoạch và phát triển thành phố.

"Chúng tôi đã áp dụng các lăng kính này vào nhiều loại hình thành phố khác nhau và giả định những kịch bản về khả năng phát triển của từng thành phố theo cách tối ưu nhất,” tiến sỹ Ellis giải thích thêm.

Tiến sỹ Ellis cũng cho biết, trong thời gian tới, Shell Scenarios tiếp tục trao đổi trực tiếp với các thành phố, bao gồm thị trưởng, hội đồng thành phố, chính quyền liên bang, các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng, để lắng nghe và thấu hiểu về tầm nhìn phát triển của họ và những thách thức mà họ có thể phải đối mặt để đạt được sự tăng trưởng đó.

Ngoài các chuyên gia học thuật và nghiên cứu, diễn đàn Powering Progress Together còn giới thiệu quan điểm của các ngành tư nhân trong việc đóng góp cho tính thích ứng nhanh của thành phố.

Tại diễn đàn này, những câu chuyện về các sáng kiến phát triển bền vững, như dự án Liter of Light do doanh nhân Illac Diaz khởi xướng, và bước tiến trong quản lý cứu trợ thiên tai nạn nhân bão Haiyan tại Philippines cũng đã được ông Luke Beckman, Giám đốc quản lý nhận thức tình huống của Hội Chữ thập đỏ Mỹ trình bày.

"Mỗi lĩnh vực của xã hội đều có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các thành phố bền vững hơn trong tương lai. Thông qua hoạt động hợp tác, các thành phố - ngôi nhà của hàng tỷ người, có thể trở thành các trung tâm phát triển bền vững như kỳ vọng," tiến sỹ Ellis đưa ra kết luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục