Doanh nghiệp Ai Cập mong muốn hợp tác kinh doanh ở Việt Nam

Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Biển Đỏ khẳng định các doanh nghiệp Ai Cập mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác và kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long giới thiệu với các doanh nghiệp tỉnh Biển Đỏ, Ai Cập về tiêm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước. (Ảnh: Nguyễn Trường/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Tuần giao lưu văn hóa Việt Nam-Ai Cập đang diễn ra tại thành phố El Gouna của tỉnh Biển Đỏ, ngày 25/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập phối hợp với Phòng Thương mại tỉnh Biển Đỏ tổ chức hội thảo với chủ đề "Thị trường Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội kinh doanh", nhằm giới thiệu các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước và xúc tiến thương mại song phương.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường, đại diện lãnh đạo tỉnh Biển Đỏ, Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Biển Đỏ Hazem Mohamed Ali, cùng đại diện của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, khoáng chất và du lịch...

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đỗ Hoàng Long đã điểm lại những nét chính về tình hình kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới, khái quát những mốc lớn, nét nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập, đồng thời nêu ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có kinh tế và thương mại giữa Ai Cập nói chung, tỉnh Biển Đỏ nói riêng với Việt Nam, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho rằng các doanh nghiệp hai nước cần tích cực tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm và hội thảo đầu tư được hai bên tổ chức nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đại sứ đề nghị các doanh nghiệp của Việt Nam và Ai Cập thiết lập kênh thông tin thị trường cũng như mối quan hệ trực tiếp để giảm thiểu rủi ro từ việc kinh doanh qua một đối tác thứ ba.

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, Việt Nam và Ai Cập có tiềm năng hợp tác rất lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khoáng sản và du lịch. Vì vậy, các cơ quan hữu quan của hai bên cần quan tâm tìm kiếm các giải pháp nhằm sớm khai thác lợi thế, đem lại lợi ích cho cả nước.

Đại sứ thông báo hiện nay Đại sứ quán đang hỗ trợ các doanh nghiệp Ai Cập thành lập diễn đàn chia sẻ thông tin với mục tiêu cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ tới các doanh nghiệp Ai Cập, do vậy các doanh nghiệp tỉnh Biển Đỏ có thể tham gia vào diễn đàn này.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long cũng chia sẻ nội dung cuộc gặp với Thống đốc tỉnh Biển Đỏ và bày tỏ mong muốn đạt được những mục tiêu xa hơn, trong đó có việc thúc đẩy mối quan hệ kết nghĩa và hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng của Việt Nam và tỉnh Biển Đỏ của Ai Cập trong thời gian tới. Đại sứ khẳng định thành phố Đà Nẵng và tỉnh Biển Đỏ có nhiều nét tương đồng vì đều là hai địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, do vậy đây là cơ hội tốt để hai địa phương giao lưu, hợp tác với nhau trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch và kinh tế.

Về phần mình, Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Biển Đỏ, ông Hazem mohamed Ali khẳng định các doanh nghiệp tỉnh này mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác và kinh doanh với các địa phương của Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng Đại sứ quán Việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu ngành hàng của Việt Nam và vùng Biển Đỏ để các doanh nghiệp tỉnh Biển Đỏ hiểu thêm về tiềm năng cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ông Mohamed Ali mong muốn các công ty lữ hành của Việt Nam tăng cường hợp tác với doanh nghiệp lữ hành tỉnh Biển Đỏ để đưa nhiều khách du lịch Việt Nam tới đây và ngược lại. Nhân dịp này, ông đã mời Đại sứ Đỗ Hoàng Long cùng các doanh nghiệp Việt Nam dự hội thảo quốc tế về kinh tế-thương mại của Ai Cập diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố du lịch ven biển Hurghada của tỉnh Biển Đỏ.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp tỉnh Biển Đỏ bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán trong hợp tác kinh doanh, đầu tư với Việt Nam, cụ thể vấn đề kết nối và giới thiệu các mặt hàng nông lâm nghiệp, điện tử, đồ gỗ và giày dép của Việt Nam tại địa bàn tỉnh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Biển Đỏ xin visa nhập cảnh vào Việt Nam nhằm tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục