Doanh nghiệp châu Á lo ngại sau vụ tấn công tàu chở dầu ở Trung Đông

Các thị trường châu Á tiếp nhận gần 70% lượng dầu thô từ Trung Đông nên mọi sự phá vỡ trong sản xuất dầu mỏ hay trên tuyến đường vận chuyển dầu đều gây tác động đến các nền kinh tế trong khu vực.
Một cơ sở lọc dầu tại Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà máy lọc dầu và các doanh nghiệp vận chuyển dầu tại châu Á đã ra báo động đối với các chuyến tàu chở dầu từ khu vực này đến Trung Đông, sau khi xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào đường ống dẫn dầu Petroline và hai tàu chở dầu của Saudi Arabia.

Theo các nguồn tin trong lĩnh vực dầu mỏ, ngay sau các vụ tấn công trên, giá dầu mỏ thế giới đã tăng hơn 1% trong ngày 13/5, khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lọc dầu châu Á tăng theo.

Một doanh nghiệp dầu tại Bắc Á cho rằng đây là bài toán "đau đầu" đối với các doanh nghiệp lọc dầu ở các nước thuộc khu vực này, vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông.

Các nguồn tin cho rằng tình hình hiện này không mấy thuận lợi cho thị trường dầu thô toàn cầu, đẩy giá dầu tăng. Các thị trường châu Á tiếp nhận gần 70% lượng dầu thô từ Trung Đông. Do vậy, mọi sự phá vỡ trong sản xuất dầu mỏ hay trên tuyến đường vận chuyển dầu như Eo biển Hormuz có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Á.

Ngày 13/5, máy bay không người lái đã tấn công hai trong số trạm bơm dầu của tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia, khiến doanh nghiệp này phải ngừng bơm dầu thô trên đường ống dẫn dầu chính của nước này là Petroline.

[Saudi Arabia ngừng bơm dầu thô, giá dầu thế giới tăng hơn 1%]

Vụ tấn công này xảy ra hai ngày sau khi hai tàu chở dầu của Saudi Arabia bị "tấn công phá hoại" ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu nói trên, một số công ty vận chuyển dầu mỏ cho biết sẽ nâng cao cảnh giác trên các tuyến đường vận chuyển trên biển và khu vực gần Fujairah, một trong những bến cảng lớn nhất thế giới và là nơi diễn ra hoạt động tiếp nhiên liệu cho các tàu thuyền.

Một công ty hóa dầu của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, công ty này có thể đổi địa điểm tiếp nhiên liệu sang Singapore, thay vì Fujairah. Trong khi đó, công ty vận tải biển Nippon Yusen của Nhật Bản đã quyết định giảm lượng tàu đến cảng Fujairah để tiếp nhiên liệu hay bảo dưỡng, trừ những trường hợp khẩn cấp.

Theo Giám đốc quản lý công ty buôn bán và bảo hiểm tàu BRS Baxi tại Singapore, Ashok Sharma, hiện chưa có nhiều công ty vận tải biển tăng tiền bảo hiểm rủi ro, song nếu tình hình an ninh tại khu vực Trung Đông tiếp tục đi xuống, thì điều này là không tránh khỏi.

Các nguồn tin nhận định cho tới nay, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ Saudi Arabi sang thị trường châu Á tạm thời chưa bị ngừng trệ bởi các tàu vận chuyển dầu thường cập cảng Ras Tanura và Juaymah của Saudi Arabia trên vùng Vịnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục