Gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.
Đây là kết quả Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện trong tháng 3-4/2022, được chia sẻ vào ngày 8/6 tại Hà Nội.
Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận tư vấn Chiến lược phát triển thị trường (Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam), cho biết các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021.
Theo bà Trang việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trên cơ sở đó, hơn 46% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, và vận tải và logistics.
Ông Robin Hoenig, Tư vấn Cao cấp về Chính sách thương mại khu vực châu Á/ASEAN, chia sẻ Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại tự do. Cụ thể, hơn 73% doanh nghiệp Đức được hỏi tin rằng việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.
Ông Robin Hoenig cho biết các doanh nghiệp châu Âu thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, các doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư khi triển khai hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58%) và hàng rào thương mại thuế quan (57%).
“Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ việc tham gia vào các Hiệp định ACFTA, CPTPP. Hiệp định EVFTA có cách đây 2 năm, đây là hiệp định có chất lượng cao và hiện đại với những thỏa thuận đa dạng, phạm vi rất rộng đến (liên quan đến cả yếu tố thuế quan và phi thuế quan). Khi các rào cản thuế quan được bãi bỏ hoàn toàn, các doanh nghiệp Đức sẽ nhìn nhận thị trường Việt Nam với những lợi thế về cung ứng các thiết bị đầu vào cho hoạt động sản xuất của họ hoặc đầu tư đến Việt Nam để tận dụng nguồn hàng hóa đầu vào có ưu thế,” ông Robin nói.
Chiến lược "Trung Quốc 1+"
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết thêm các nhà đầu tư quốc tế có mong muốn thực hiện “Chiến lược Trung Quốc 1+.”
Cụ thể, nhiều công ty Đức chỉ hoạt động ở một địa điểm ở châu Á và chủ yếu là ở Trung Quốc hiện đang tìm kiếm để phát triển một địa điểm thứ hai bên ngoài quốc gia này và ASEAN là khu vực được ưu tiên. Trong ASEAN, Việt Nam đang được xem là nước đến phù hợp với vị trí địa lý sát cạnh Trung Quốc.
Theo đó, các doanh nghiệp Đức đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc mở cửa tự do hóa, thị trường dịch vụ và các sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn trong khu vực cùng với các ưu thế về giảm thuế quan và giảm chi phí sản xuất.
Chặng đường một thập kỷ qua, hàng hóa thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng gấp bốn lần và Đức đang là đối tác thương mại EU lớn nhất của Việt Nam với khối lượng thương mại là 14,4 tỷ EUR năm 2021.
“Nhờ thương mại tự do thỏa thuận với EU, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức kỳ vọng khối lượng thương mại Đức-Việt sẽ đạt khoảng 20 tỷ EUR trong vòng hai đến ba năm tới,” ông Marko cho hay.
Song, ông Marko cũng chia sẻ một số thách thức nội tại của các doanh nghiệp Đức. Theo ông, mặc dù thể hiện được khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch nhưng họ vẫn đang đối mặt với các rủi ro và thách thức do sự bất ổn toàn cầu.
“Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại hơn về sự phát triển kinh doanh trong năm tới. Do đó, họ cho rằng rủi ro lớn nhất trong hiện tại là giá nguyên liệu thô, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao,” ông Marko nói.
Thêm vào đó, ông Marko cho biết thêm xung đột Nga-Ukraina cũng gây ra các tác động về kinh tế đối với các doanh nghiệp Đức. Cụ thể, chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics là những vấn đề đáng lo ngại nhất.
“Điều này dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Đức, như điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời về mặt kinh tế (decoupling) giữa các khu vực trên thế giới,” ông Marko nói.
Do đó, ông Marko cho rằng kết quả cuộc khảo sát nói trên sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển và triển vọng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Đức cũng như những kỳ vọng của nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam./.
Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu sát nhận được phản hồi từ 4.200 doanh nghiệp Đức, chi nhánh và công ty con trên toàn thế giới cũng như các công ty có quan hệ chặt chẽ với Đức. Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tham gia khảo sát đang hoạt động trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau: dịch vụ (46,4%), công nghiệp/xây dựng (39,3%), và thương mại (14,3%). Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 100 nhân viên chiếm 64,3%, các doanh nghiệp tầm trung với lượng nhân viên không quá 1.000 người chiếm 7,1% và 28,6% đến từ doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 nhân viên. |