Chiều 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vố đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của đại diện hàng trăm doanh nghiệp FDI.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các khu công nghiệp ở Đồng Nai được đầu tư bài bản, trong khu công nghiệp hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhưng giao thông ngoài khu công nghiệp chậm được đầu tư, đường nhỏ hẹp, thường xuyên ách tắc.
Đặc biệt là tại khu công nghiệp Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom) và các khu công nghiệp ở thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Việc xin giấy bệnh ở Đồng Nai dễ, nhiều công nhân muốn nghỉ việc một vài ngày và họ xin được giấy nghỉ bệnh, dù sức khỏe của họ vẫn bình thường. Tình hình an ninh trật tự tại một số khu công nghiệp còn diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Công ty Terumo BCT (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành) cho biết, thời gian qua, nhiều công nhân của công ty bị cướp giật trên đường đi làm. Các đối tượng đạp ngã xe công nhân, khống chế bị hại và xịt hơi cay chống trả nếu bị truy đuổi. Đã có người lao động của công ty bị cướp và gặp tai nạn dẫn đến thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu. Riêng tháng 3/2023, Công ty Terumo BCT ghi nhận 2 trường hợp công nhân bị cướp.
[Tỉnh Đồng Nai - điểm đến thành công của doanh nghiệp FDI]
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện Công ty TNHH Longwell (Khu công nghiệp Dầu Giây, huyện Thống Nhất) cho biết: Hiện người lao động của công ty còn khó khăn về chỗ ở, gần khu công nghiệp thiếu nhà trẻ, sân chơi, trạm y tế. Đề nghị Đồng Nai quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân.
Tại hội nghị, hầu hết những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đều được ngành chức năng giải đáp, ghi nhận. Về vấn đề an ninh trật tự, lực lượng công an đã triển khai các tổ tuần tra cơ động tại các khu vực trọng điểm thường xảy ra tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm hành vi cướp giật. Ngành y tế siết chặt việc cấp giấy nghỉ bệnh, xử lý những cơ sở cấp giấy nghỉ bệnh sai quy định.
Tới đây, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đầu tư nhà ở ở xã hội phục vụ công nhân, tăng cường xây dựng giao thông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh với cao tốc, sân bay Long Thành, đường vành đai và hệ thống cảng. Đối với vấn đề ách tắc tại các đường dẫn vào khu công nghiệp, tỉnh sẽ xem xét mở rộng đường.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.400 dự án FDI với số vốn thực hiện hơn 22 tỷ USD. Thời gian qua, tỉnh luôn nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp,” tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án lớn đang và sẽ triển khai như: sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Liên Khương, đường vành đai 3, vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sự hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, chủ trương của Đồng Nai là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua tỉnh công khai các quy hoạch tỉnh, huyện, quy hoạch vùng; công khai danh mục dự án thu hút, kêu gọi đầu tư./.