Doanh nghiệp lọc dầu Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác với tới Iran

Một đoàn doanh nhân Ấn Độ gồm các đại diện của hai nhà máy lọc và hóa dầu ONGC Videsh và Mangalore vừa có cuộc gặp với các quan chức của Công ty hóa dầu quốc gia Iran (NPC).
Nhà máy lọc dầu ở Nam Tehran, Iran. (Nguồn: AP)

Ngày 19/4, hãng thông tấn IRNA của Ấn Độ đưa tin một đoàn doanh nhân Ấn Độ gồm các đại diện của hai nhà máy lọc và hóa dầu ONGC Videsh và Mangalore vừa có cuộc gặp với các quan chức của Công ty hóa dầu quốc gia Iran (NPC) nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác.

Cuộc gặp tại trụ sở của NPC tại thủ đô Tehran diễn ra trong bối cảnh xuất hiện triển vọng tốt đẹp về một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và nhóm P5+1 và hàng loạt các tập đoàn lớn trên thế giới đang đổ xô tới quốc gia Trung Đông này để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Cuộc họp kín giữa hai bên đã được diễn ra trong điều kiện bảo mật thông tin. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một trong những mục tiêu chính của đoàn doanh nhân Ấn Độ khi tới Tehran là để thảo luận về việc tham gia và đầu tư vào các dự án hóa dầu mới tại Iran, đặc biệt là tại khu kinh tế trọng điểm Asalouyeh và tại thành phố cảng Chabahar nằm ở vùng Đông Nam của Iran.

Trước đó, một phái đoàn khác của Ấn Độ, gồm Đại sứ Ấn Độ tại Iran và đại diện của Bộ Hóa chất và Phân bón cùng với Giám đốc điều hành của công ty GACL, đã tới khảo sát tại các dự án lọc hóa dầu tại khu vực Makran ở phía đông nam Iran. Tháp tùng đoàn đại biểu Ấn Độ có hai quan chức của Khu thương mại tự do Chabahar của Iran.

Cảng Chabahar nằm trong khu vực Makran dự kiến sẽ thu hút khoảng 10-12 tỷ USD vốn đầu tư để trở thành trung tâm hóa dầu lớn thứ ba của nước này, sau Asalouyeh và thành phố cảng Mahshahr.

Theo thiết kế, khu liên hợp hóa dầu mới được xây dựng ở khu vực này sẽ có năng lực sản xuất lên đến 20-22 triệu tấn dầu và các sản phẩm polymer.

Ấn Độ là khách hàng tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai của Iran, sau Trung Quốc.

Ấn Độ đang lên kế hoạch đầu tư 50 tỷ rupee (hơn 810 triệu USD) vào Khu thương mại tự do Chabahar để xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hóa học với công suất 1,3 triệu tấn/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục