Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất gỡ khó khi sản xuất ''3 tại chỗ''

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ nơi tạm trú cho người lao động; hình thành hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.
Khu vực hội trường và các văn phòng chưa sử dụng được Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn bố trí làm chỗ ngủ cho công nhân viên. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Sau 2 ngày triển khai thực hiện văn bản của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố về việc hỗ trợ cấp thiết các doanh nghiệp và nhà máy đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ.”

Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố, hiện việc bố trí nơi ở tạm thời cho công nhân đang gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp đông công nhân, không có nhiều kho bãi mặt bằng.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền, đoàn thể thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quan tâm hỗ trợ nơi tạm trú cho công nhân ở các khu; cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của nhà nước.

Về thực hiện quy trình “một cung đường 2 địa điểm,” nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có “một điểm đến, nhưng nhiều điểm đón” do phải thuê cùng lúc nhiều khách sạn khác nhau mới có đủ chỗ cho công nhân ở, nên xe đưa rước phải tỏa ra đi đón tại nhiều nơi khác nhau.

Ngoài ra, do đặc điểm từng nhà máy, công ty có ngành, nghề khác nhau, cách sử dụng lao động trong làm việc và giờ giấc khác nhau, điều kiện ăn ở khác nhau, nên các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù và quan trọng.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền và đoàn thể các cấp quan tâm, hình thành hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ.” Đồng thời, thống nhất 1 đoàn kiểm tra định kỳ hay đột xuất để thuận tiện cho doanh nghiệp đón tiếp, đảm bảo an, toàn phòng dịch thay vì có quá nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp như hiện nay.

Về giao thông vận chuyển hàng hóa, đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố cho biết, việc giao nhận tại sân bay và tại cảng đều theo lịch trình giờ giấc quy định chuyên ngành.

Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách sẽ là nơi phục vụ miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian "cắm chốt" tại công ty. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Cụ thể, hải quan giám sát và thông quan theo giờ hành chính, do vậy quy định chỉ được vận chuyển từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng không phù hợp trong sản xuất kinh doanh và logistic. Đồng thời, kiến nghị cho áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo trên các loại hình xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân... để thống nhất, tiện kiểm soát và ra vào.

Đối với các vấn đề liên quan đến y tế và lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố đề xuất, ngành y tế tổ chức tập huấn, huấn luyện cho doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ,” doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy hoặc công ty tự tổ chức lấy mẫu cho công nhân gửi ngành y tế, sau đó nhận kết quả tại doanh nghiệp.

Cùng đó, tiếp tục đưa công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao là đối tượng ưu tiên cần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Công nhân nào chưa được tiêm thì được tiêm vaccine mũi thứ nhất, đối tượng đã tiêm thì được ưu tiên tiêm vaccine mũi thứ hai khi đến thời hạn.

[Chống đứt gãy chuỗi sản xuất: Doanh nghiệp chạy đua '3 tại chỗ']

Theo ông Nguyễn Văn Bé, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, kể cả doanh nghiệp bị phong tỏa do dịch bệnh cũng kiến nghị cần làm rõ quy trình hoạt động lại; công bố quy định cụ thể, rõ ràng về việc khử khuẩn, vệ sinh phòng dịch, thời gian kết thúc phong tỏa đến việc thu dụng lao động.

“Chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” là đồng nghĩa với tinh thần mỗi nhà máy, doanh nghiệp là một pháo đài tự phòng chống dịch mà Chính phủ đã nêu, nhưng trong thực tiễn còn nhiều vấn đề hết sức cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền,” ông Bé chia sẻ.

Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố, phần lớn doanh nghiệp trong các khu đều mong và nỗ lực thực hiện mục tiêu kép; giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh; tổ chức đi lại ăn ở cho công nhân theo quy định mới của thành phố.

Tính đến chiều 15/7, Khu công nghệ Cao có 70/85 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới; Khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động; Khu chế xuất Linh Trung 1 có 13/32 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động; Khu chế xuất Linh Trung 2 có 10/30 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động; Khu công nghiệp Hiệp Phước có 25/159 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động…

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số chỉ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo được phương án vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm "một cung đường 2 địa điểm" - chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao với hơn 320.000 công nhân.

Thời gian qua, nhiều nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19; khoanh vùng và đưa đi cách hàng nghìn công nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục