Chiều 15/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin-truyền thông.
Nhiều kiến nghị, đề xuất được nêu ra nhằm hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số, nền tảng phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, số hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố.
Hiện thành phố có 3 vấn đề lớn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông cần đặc biệt quan tâm. Đó là quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai.
[Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số]
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc cùng thành phố triển khai chương trình này. Chuyển đổi số đã tạo ra các ngành và các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới, vì vậy nếu áp dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình hành chính công để phục vụ người dân theo phương thức mới...
“Thành phố cần yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học-công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xem đây là chỉ tiêu để đánh giá thi đua. Các dự án sử dụng vốn kích cầu của thành phố phải đảm bảo có một tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin nhất định trong tổng số hỗ trợ chi phí lãi vay và xem là một trong những điều kiện cho vay,” ông Lâm Nguyễn Hải Long kiến nghị.
Phân tích các thách thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền cần quan tâm, có cơ chế đột phá dẫn dắt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số chung. Thành phố cũng cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp chuyển đổi số; cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển khoa học-công nghệ vào chuyển đổi số, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí thúc đẩy chuyển đổi số.
Liên quan đến đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết hiện đơn vị đang đang xây dựng đề án “Đào tạo nhân lực số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số,” nhằm tận dụng, khai thác công nghệ để tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
Ông Vũ Hải Quân đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ đề án này; doanh nghiệp đồng hành cấp học bổng, thực tập, góp ý cập nhật chương trình đào tạo. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn quỹ đất khoảng 20ha được quy hoạch là Khu Công nghệ phần mềm, do đó Ủy ban Nhân dân thành phố cần tìm kiếm, giới thiệu doanh nghiệp đầu tư, hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân về tri thức, khoa học công nghệ của thành phố Thủ Đức, là điểm kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty chuyên về dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dữ liệu mở cần công khai cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải đầu tư đồng bộ, trọng điểm với các dự án liên quan đến nguồn dữ liệu, cho nguồn dữ liệu lớn… để biến nguồn dữ liệu thành tài nguyên phát triển kinh tế.
Theo ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời phát triển đội ngũ khoa học dữ liệu để khai thác dữ liệu này; có thể kết hợp công-tư trong khai thác dữ liệu và cung cấp dịch vụ cho người dân. Về công nghệ, các doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng, VNPT cũng mong muốn hợp tác với Thành phố để phát triển Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi nhận những góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng thành lập diễn đàn số, trở thành kênh thông tin giữa thành phố với các doanh nghiệp, nhà khoa học, các đơn vị; hình thành mạng lưới chuyển đổi số của thành phố.
Ông Phan Văn Mãi mong muốn nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức… tích cực tham gia để hoàn thành sứ mạng chuyển đổi số vì sự phát triển của thành phố. Thành phố cũng đặt ra các nhiệm vụ phải làm ngay như thành lập cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, cả doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp ứng dụng; xây dựng Chiến lược nguồn nhân lực, Chiến lược đảm bảo an toàn thông tin; chiến lược dữ liệu và xây dựng cộng đồng số cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình đào tạo, truyền thông về chuyển đổi số cho lãnh đạo, cán bộ nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số; kết nối các nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số với các doanh nghiệp có nhu cầu…/.