Doanh nghiệp vận tải 'giao tiếp không chạm' trong bối cảnh COVID-19

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn việc áp dụng công nghệ đối với phương thức bán vé, điều hành vận tải.
Nhà xe dán biển nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Trong đại dịch COVID-19, việc “giao tiếp không chạm” đang được các doanh nghiệp vận tải đường bộ ứng dụng trong kết nối, tương tác với khách hàng. Đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi nhằm thích ứng với đại dịch.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho biết trước đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu hành khách, quản lý giao dịch, thanh toán, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn việc áp dụng công nghệ đối với phương thức bán vé, điều hành vận tải...

Theo Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn-Hải Vân, lượng khách mua vé qua app (ứng dụng) hoặc các website của công ty tăng gấp đôi so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Các ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho công ty trong các giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí...

Ông Trịnh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn-Hải Vân, cho biết việc sử dụng app đặt xe Hải Vân là một trong những giải pháp giúp hãng xe nâng cao hiệu quả phòng tránh dịch COVID-19. Hành khách chỉ cần 30 giây để tìm và đặt vé phù hợp mà không phải tới bến xe hay phòng vé.

“App đặt xe sẽ mang đến cho hành khách những trải nghiệm mua vé thuận tiện thông qua việc tự lựa chọn lộ trình, loại xe, chỗ ngồi, mức giá phù hợp. Ngoài ra, việc hiển thị rõ ràng, minh bạch các thông tin như tài xế, theo dõi vị trí di chuyển của xe, thời gian xe đón... giúp khách hàng chủ động đi lại, giảm thiểu rủi ro tiếp xúc trong cộng đồng," ông Thắng chia sẻ.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đơn vị này đã kích hoạt hệ thống bán vé qua mạng giống như các ngành hàng không, đường sắt đang áp dụng.

Hành khách chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính là có thể lên mạng đặt vé. Hành khách được tự chọn chỗ, ngày, giờ đi... và thanh toán trực tuyến. Cách làm này sẽ là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch COVID-19 cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi số từ khá sớm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết cách đây hơn 3 năm, công ty đã xây dựng app cho riêng mình để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, khách hàng dễ tiếp cận với dịch vụ, trong khi những công việc quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ, trước đây dễ dẫn đến thất thoát doanh thu đã được doanh nghiệp loại bỏ từ khi có phần mềm điều hành.

“Chỉ cần nhấp chuột sẽ biết được danh sách hành khách mỗi chuyến xe, giúp việc phòng, chống dịch an toàn hơn. Đồng thời, doanh nghiệp có thể thông báo đến hành khách những biện pháp phòng, chống dịch và giúp truy vết dễ dàng khi không may có hành khách bị bệnh. Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng," ông Hà chia sẻ.

Giám đốc Công ty cổ phần Vé Xe Rẻ, ông Trần Văn nhìn nhận ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải đang nở rộ theo xu thế phát triển của thị trường, mang lại cho ngành vận tải nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng và quản trị dịch vụ. Thông qua ứng dụng công nghệ, các hãng xe, nhà cung ứng dịch vụ vận tải có thể cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, trong khi bảo đảm sự an toàn cho khách hàng.

Các chuyên gia giao thông cho rằng trong đại dịch COVID-19, việc “giao tiếp không chạm” đã tạo cơ hội cho các nhà phát triển ứng dụng tiên phong trong việc giúp khách hàng có thể tìm kiếm nhà xe, lộ trình di chuyển, phương thức đặt vé, xử lý các thủ tục dễ dàng. Việc này trở nên an toàn và tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng mặc dù doanh nghiệp vận tải quan tâm ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đã gia tăng nhưng sự gia tăng này còn hạn chế. Bởi lẽ, đa phần doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Đại dịch COVID-19 đang gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải hành khách khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, quá trình chuyển đổi số, đầu tư mô hình tự động hóa có chi phí hàng tỷ đồng. Mức chi phí này là khá cao đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam. Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư quản trị kỹ thuật số trở thành một trong những bài toán khó giải đối với doanh nghiệp nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đa phần quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động vận tải theo phương thức truyền thống bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

[Quản lý chặt lái xe để tránh lây nhiễm dịch giữa các địa phương]

Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào các ứng dụng công nghệ số và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vận tải còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chuyển đổi số khá lớn khiến họ ngần ngại.

Từ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho rằng cần bắt buộc doanh nghiệp phải có ứng dụng nền tảng công nghệ. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể kê khai được các thông tin và hành trình của hành khách vận chuyển trong ngày. Phần mềm này của doanh nghiệp cũng phải được kết nối với các ngành khác như thuế, công an, giao thông để kiểm soát.

“Ứng dụng này cũng phải có mã QR code để hành khách khai báo y tế khi có dịch bệnh. Muốn làm được việc này, doanh nghiệp phải có nguồn lực cả về con người và tài chính. Doanh nghiệp nào không áp dụng sẽ thu giấy phép kinh doanh, có như vậy, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vận tải mới thành công," ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra mã nhận diện QR Code của phương tiện. (Nguồn: TTXVN)

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, ông Lê Thanh Tùng cho biết trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục