Đại diện Bộ Tài chính cho biết, có tình trạng một số doanh nghiệp Nhà nước đã chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị cao hơn cả mức tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên.
[Vụ tự chặt chân tay đòi bồi thường: Bảo hiểm là "miếng mồi ngon"]
Nói kỹ hơn về thực trạng này, đại diện ngành tài chính dẫn quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP có nội dung, đối với khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, doanh nghiệp được tính toàn bộ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, quy định này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đảm bảo an sinh cho người lao động, qua đó thu hút, khuyến khích tạo động lực để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Quy định này được áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp, đảm bảo không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, báo cáo của Bộ Tài chính nêu lên thực tế, một số doanh nghiệp Nhà nước đã chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị cao so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên.
Lãnh đạo ngành tài chính cũng nhắc lại quan điểm đã được đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu trước đó là, việc không khống chế mức mua bảo hiểm nhân thọ sẽ dẫn đến các doanh nghiệp Nhà nước vận dụng chi mua bảo hiểm nhân thọ ở mức cao, không hợp lý, đồng thời hạch toán vào chi phí được trừ.
Phía Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá, việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, phần vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành, tránh việc lợi dụng.
Để giải quyết tình trạng bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đang dự tính sửa đổi quy định hiện tại theo hướng: Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người để: trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động;…
Ngoài ra, ngành tài chính cũng đề xuất: Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại khoản này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính;…/.