Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị phân bổ lại số lượng hạn ngạch

Sau khi nhận được công văn của Hiệp hội Lương thực, nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét lại việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu một cách hợp lý để giảm thiểu thiệt hại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước phản ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về bất cập trong việc mở tờ khai hải quan cho hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 này, ngày 13/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã gửi công văn tới các hội viên và thương nhân xuất khẩu gạo để tổng hợp ý kiến và nguyện vọng của doanh nghiệp.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các hội viên và thương nhân tham gia xuất khẩu gạo góp ý về tình hình khai hải quan cũng như số liệu tồn đọng của doanh nghiệp để phản ánh đến Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan.

Sau khi nhận được công văn, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét lại việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu một cách hợp lý để giảm thiểu thiệt hại. Trong Công văn số 95/CV-VH-/20 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục Hải quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 14/4, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) trình bày, tại thời điểm có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo (23/3/2020) doanh nghiệp này đang có lượng hàng tồn đọng lớn lại các cảng. Cụ thể, doanh nghiệp có 630 tấn gạo đã đóng container và hơn 3.000 tấn gạo trên các tàu xà lan đang neo đậu tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh chờ làm tờ khai.

Khi nhận được quyết định số 1106/QĐ –BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4, doanh nghiệp đã tiến hành mở tờ khai hải quan cho 25 container gạo đã đóng hàng có số container, số seal đầy đủ đang tồn tại cảng Cát Lái từ ngày 23/3 nhưng không thể truy cập vào hệ thống hải quan điện tử để khai báo. Đến sáng 12/4 khi truy cập vào hệ thống hải quan thì được thông báo toàn bộ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 đã được đăng ký hết.

[Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng về bất cập khai hải quan xuất khẩu gạo]

“Cứ nghĩ ngày 11/4 (Thứ Bảy) là cuối tuần nên hệ thống hải quan dừng tiếp nhận mở tờ khai và qua thứ Hai (13/4) sẽ có hướng dẫn để khai báo hải quan nhưng không ngờ hệ thống hải quan tự động lại mở vào khoảng 0h đến 3h ngày 12/4 (Chủ Nhật),” ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng lo lắng vì trước đó không nhận được bất kỳ thông tin, công văn hướng dẫn, thông báo nào từ phía cơ quan hải quan về thời điểm mở tờ khai hải quan.

Theo ông Đôn, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đều thực hiện đúng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đảm bảo mức dự trữ lưu thông tối thiểu. Với số lượng gạo tồn tại cảng lớn như hiện nay, doanh nghiệp không mở được tờ khai để xuất khẩu sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn. Ngoài khoản chịu lãi vay ngân hàng, chi phí bao bì đã in cho các hợp đồng ký trước, doanh nghiệp còn phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh từ việc đóng, dỡ hàng, phí lưu container, lưu bãi tại cảng. Thêm vào đó, việc kéo dài thời gian giao hàng cũng ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài và không đảm bảo kỳ hạn trả nợ cho ngân hàng.

Trước những khó khăn đó, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng ưu tiên thông quan cho những lô hàng đã tồn đọng tại cảng có số container, số seal từ trước ngày 23/3/2020 và những lô hàng đang neo đậu tại cảng. Hạn ngạch xuất khẩu có giới hạn trong khi nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp lớn, do đó để tạo sự công bằng, doanh nghiệp kiến nghị phân bổ lại số lượng hạn ngạch trong tổng 400.000 tấn theo tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2019.

Cùng chung nguyện vọng, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ ngày 14/4 đã có đơn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành với nội dung: Hủy toàn bộ tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ ngày 11/4 đến nay do thời gian mở tờ khai không được công khai minh bạch, khiến nhiều doanh nghiệp không nắm được thông tin để thực hiện.

Doanh nghiệp này đề nghị ngành hải quan cần ưu tiên cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô hàng đang khai dang dở vào thời điểm 23/4 và thông quan hết số lượng gạo đã nằm tại cảng. Đối với việc đăng ký tờ khai mới, hải quan cho doanh nghiệp khai mới với số lượng không hạn chế nhưng tờ khai nào khai trước thì thông quan trước đến lúc đủ hạn mức 400.000 tấn thì dừng xuất khẩu. Trong các kỳ hạn ngạch tiếp theo cũng áp dụng tương tự. Để chia đều cơ hội cho các doanh nghiệp và tránh hiện tượng mở tờ khai “xí chỗ” trước, tờ khai nào sau 15 ngày không xuất khẩu thì phải lùi lại sau cùng, nhường chỗ cho tờ khai tiếp theo.

Theo ước tính của các doanh nghiệp, từ thời điểm tạm dừng xuất khẩu gạo (23/4/2020), lượng gạo đã đóng container và trên các tàu, xà lan cập cảng đang tồn đọng chờ mở tờ khai là khoảng 250.000 tấn. Trong đó đa phần là hàng chuẩn bị trả cho các hợp đồng ký trước có thời hạn giao hàng trong tháng 4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục