Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 4/12 công bố báo cáo cho biết ngay cả khi xung đột tại Ukraine thúc đẩy nhu cầu về vũ khí, doanh thu của các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới vẫn sụt giảm đáng kể trong năm 2022.
Những khó khăn trong khâu sản xuất đã khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không thể tăng sản lượng.
Theo báo cáo của SIPRI, doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã đạt tổng cộng 597 tỷ USD trong năm 2022, giảm 3,5% so với năm 2021.
Căng thẳng địa chính trị trên thế giới cùng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu vũ khí và thiết bị quân sự ngày càng tăng.
Chuyên gia Diego Lopes da Silva làm việc tại SIPRI cho biết với bối cảnh như trên, việc doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí sụt giảm là "điều bất ngờ."
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng này chủ yếu do doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí lớn tại Mỹ, nơi các doanh nghiệp phải vật lộn với "các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động" do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong năm 2022, Mỹ tuy sụt giảm doanh thu 7,9% so với năm trước đó, nhưng vẫn chiếm 51% tổng doanh thu từ vũ khí trên toàn cầu, với 42 công ty nằm trong Top 100 thế giới.
Chuyên gia Lopes da Silva cho biết các nhà cung cấp vũ khí của Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương nếu xảy ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, do nước này có nhiều hệ thống vũ khí sản xuất phức tạp hơn, với nhiều linh kiện và bộ phận hơn.
Triều Tiên kêu gọi tăng sản xuất vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân
Theo SIPRI, các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng chứng kiến doanh thu trong năm 2022 giảm 12% so với năm trước đó, xuống còn 20,8 tỷ USD.
Ngược lại, ở các khu vực khác trên thế giới như Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương, các nhà sản xuất vũ khí - với xu hướng sản xuất các hệ thống ít phức tạp hơn - lại có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Trung Đông chứng kiến sự gia tăng lớn nhất thế giới về doanh thu từ vũ khí trong năm 2022, tăng 11% so với năm 2021 lên mức 17,9 tỷ USD.
Doanh thu nói chung của các nhà cung cấp vũ khí ở châu Á và châu Đại Dương tăng 3,1%, đạt 134 tỷ USD vào năm 2022.
Xét về từng quốc gia, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai (sau Mỹ) trong năm 2022, khi 8 công ty sản xuất vũ khí của nước này có tên trong bảng xếp hạng tăng doanh thu nói chung - với mức tăng 2,7%, đạt 108 tỷ USD./.