Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Đức giảm mạnh trong năm 2014

Doanh thu xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Đức thông qua trong năm 2014 đã giảm 1,8 tỷ euro so với năm 2013, xuống còn 6,5 tỷ euro.
Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Đức giảm mạnh trong năm 2014 ảnh 1Binh sỹ Đức. (Nguồn: deviantart.com)

Kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Đức trong năm ngoái đã giảm mạnh do cam kết của Chính phủ Đức kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu vũ khí tới các nước không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo báo cáo về xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Đức thông qua ngày 24/6, doanh thu xuất khẩu vũ khí được Chính phủ nước này thông qua trong năm 2014 đã giảm 1,8 tỷ euro so với năm 2013, xuống còn 6,5 tỷ euro. Các mặt hàng xuất khẩu trong nhóm cần giấy phép riêng ở mức thấp nhất trong 7 năm qua khi chỉ đạt dưới 4 tỷ euro.

Doanh thu xuất khẩu sang các nước thứ ba, chủ yếu là các nước ngoài EU hoặc có liên kết với EU cũng như các nước ngoài NATO đạt 60,5%, giảm 1,5% so với năm 2013. Việc xuất khẩu tàu và tàu ngầm sang Hàn Quốc, Singapore, Saudi Arabia và Israel chiếm phần lớn lượng hàng xuất khẩu trong danh mục này.

Cũng theo báo cáo nói trên, hoạt động xuất khẩu các vũ khí loại nhỏ đã giảm một nửa trong năm ngoái, chỉ đạt 47,4 triệu euro, và mặt hàng này hiện được Chính phủ Đức đặc biệt cẩn trọng xem xét khi cấp giấy phép xuất khẩu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel hồi năm ngoái đã cam kết thận trọng trong việc cấp phép xuất khẩu vũ khí sang các nước ngoài EU và NATO.

Trong khi đó, đảng Xanh, đảng Cánh tả cùng nhiều chính trị gia trong liên minh bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi siết chặt hơn nữa quy định xuất khẩu mặt hàng này, trong đó có việc cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia như Saudi Arabia, một khách hàng quan trọng, song cũng luôn bị Đức cáo buộc có những hành vi vi phạm nhân quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.