Tối 22/4, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023 tại Di tích quốc gia đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc.
Sự kiện nhằm tôn vinh ông Tổ bách nghệ và Tổ nghề kim hoàn gắn với nghề truyền thống chế tác kim hoàn tại khu phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc.
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, gồm Lễ rước truyền thống từ đình Kim Ngân đi qua các tuyến phố Hàng Bạc-Hàng Bè-Hàng Dầu-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Khay-Lê Thái Tổ-Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục-Hàng Đào-Hàng Bạc và về Đình Kim Ngân; lễ khai hội đình Kim Ngân.
[Hà Nội nỗ lực hết mình giữ lại di sản của phố thị Thăng Long xưa]
Hội nghề kim hoàn năm 2023 diễn ra đến ngày 7/5 tại đình Kim Ngân, với hoạt động giới thiệu không gian sắp đặt và trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của các làng nghề kim hoàn; trình diễn, thao tác nghề do các nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề thực hiện.
Trong đó, các hoạt động nổi bật như trình diễn kỹ thuật nghề chạm bạc Đồng Xâm; đúc đồng Đại Bái; kỹ thuật nghề vàng bạc Châu Khê; dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ; trình diễn kỹ thuật đậu bạc Định Công; trải nghiệm thao tác đậu bạc Định Công; trình diễn kỹ thuật nghề đúc đồng Ngũ Xã.
Trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn còn có tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội”; biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Tọa đàm là cơ hội để các nghệ nhân làng nghề, phố nghề giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác phát triển nghề tại địa phương, đồng thời giới thiệu các sản phẩm và quảng bá các giá trị di sản làng nghề gắn với phố nghề, nhằm thu hút khách du lịch.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định: Các phố nghề truyền thống, các lễ hội, di tích lịch sử, công trình nhà ở có giá trị và những nét sinh hoạt của người dân đã tạo nên đặc trưng cho khu Phố cổ Hà Nội.
Trước đây, người dân từ các nơi đã hội tụ về kinh đô, lập nên những phường nghề, xây dựng những ngôi đình, đền để tưởng nhớ các vị tổ nghề hoặc các vị thần bảo hộ, trong đó có đình Kim Ngân.
Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn được tổ chức nhằm thể hiện hiện lòng thành kính, biết ơn đối với công đức của các vị Tổ nghề; có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân phố Hàng Bạc và các làng nghề cũng như người Việt nói chung.
Đây cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, các làng nghề, qua đó khuyến khích các nghệ nhân, người dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống và có nhiều sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới, góp phần phát triển kinh tế, du lịch của quận Hoàn Kiếm và Hà Nội.
Theo các tài liệu còn lưu lại tới ngày nay, từ thời Vua Lê Thánh Tông (1160-1497), Quan Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín được Vua cho phép lập xưởng đúc bạc nén ở kinh thành. Ông đã đưa người dân làng Châu Khê ra làm nghề này.
Dần dần, người dân Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, từ nghề đúc bạc nén tiến tới đổi bạc, đổi tiền, làm nghề vàng bạc và mỹ nghệ kim hoàn, thành phường hội rồi trở thành phố nghề Hàng Bạc ngày nay.
Đình Kim Ngân được người Châu Khê khởi dựng và đã trải qua nhiều lần trùng tu.
Năm 2013, đình Kim Ngân được xếp hạng là Di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp.
Thường vào dịp xuân tế và thu tế, thợ Châu Khê tế lễ Thành hoàng và Tổ sư nghề nghiệp tại đình, đền ở quê và phố Hàng Bạc (Hà Nội).
Ngoài mục đích thường có của một ngôi đình làng của người Việt là nơi tổ chức sinh hoạt của cộng đồng làng xã, thực hành tín ngưỡng thờ Thành hoàng và tổ nghề, đình Kim Ngân còn đóng vai trò quan trọng đối với việc kết nối các cộng đồng thợ nghề kim hoàn từ bốn phương quanh đất Kinh Kỳ.
Những người thợ kim hoàn tụ hội về Kẻ Chợ phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương với những sản phẩm đặc trưng riêng, góp phần vào sự phong phú của “36 phố phường” Thăng Long-Hà Nội./.