Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam.

Khoảnh khắc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN phát)
Khoảnh khắc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN phát)

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nguồn tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), vào 9 giờ 48 phút (giờ địa phương, tức 19 giờ 48 phút, giờ Việt Nam) ngày 4/12, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang, diễn ra từ ngày 22-27/4 âm lịch trong Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam.

Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người Khmer, Hoa, Chăm.

Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước.

Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

ttxvn_nui sam (3).jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu đáp từ. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng việc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam, đồng thời sự công nhận này có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003, Việt Nam cam kết luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cũng như các di sản văn hóa khác để trao truyền cho các thế hệ tương lai.

Thay mặt địa phương sở hữu di sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ niềm xúc động và vinh dự khi Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh; gửi lời cảm ơn đến UNESCO, Ban Thư ký Công ước, các cơ quan thẩm định và các thành viên ủy ban vì sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu; khẳng định sẽ lan tỏa niềm vui và niềm tự hào này đến cộng đồng của tỉnh An Giang và cam kết sẽ cùng cộng đồng bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa này, bảo đảm gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.

Với việc ghi danh này, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ) và là lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này.

Điều đó khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản, đề cao sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại và cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.

Việc ghi danh cũng sẽ tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở địa phương, cộng đồng dân cư.

ttxvn_nui sam (2).jpg
Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được an vị trong Miếu Bà ở chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Hồ sơ Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam hội tụ đủ 5 tiêu chí, là một trong những hồ sơ được đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền tỉnh An Giang với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.

Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO dự kiến tiếp tục diễn ra đến hết ngày 7/12 tại thủ đô Asunción, Paraguay.

Kỳ họp quy tụ sự tham dự của gần 1.000 đại biểu từ 120 quốc gia thành viên Công ước nhằm thảo luận các vấn đề then chốt liên quan đến các di sản văn hóa phi vật thể.

Kỳ họp lần này dự kiến sẽ ghi danh 63 Di sản Văn hóa phi vật thể mới trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Thủ đô Brussels (Bỉ) mỗi dịp cuối năm lại trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh trên khắp các con phố và nhiều hoạt động sôi động, tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Gian hàng món ngon Sài Thành giới thiệu phong phú món ăn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khai mạc Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024

Lễ hội lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt với 5 hương vị nguyên bản, gồm vị của “tuổi thơ” hồn nhiên, “thanh xuân” tươi mới, “vấp ngã” đầy thử thách, “trưởng thành” chín chắn và “đời” sâu lắng.

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi

Mỗi mùa Giáng sinh về, Hong Kong lại khoác lên mình vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của những ánh đèn rực rỡ và không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi.