An Giang: Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam diễn ra trang nghiêm

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam diễn ra trang nghiêm, với các nghi thức Lễ khai thủy-đăng sơn-thỉnh thánh mẫu; dâng hương đài Liệt sỹ; lễ phục hiện thỉnh áo, mão Bà lên kiệu...

Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được an vị trong Miếu Bà ở chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được an vị trong Miếu Bà ở chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tối 29/5 (tức ngày 22/4 Âm lịch), Ban tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam năm 2024 tỉnh An Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc và Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam tổ chức Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam.

Đây là hoạt động mở đầu cho Lễ hội cấp Quốc gia Vía Bà Chúa xứ núi Sam năm 2024.

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam diễn ra trong không khí trang nghiêm, với các nghi thức Lễ khai thủy-đăng sơn-thỉnh thánh mẫu; dâng hương đài Liệt sỹ; thực hiện lễ phục hiện thỉnh áo, mão Bà lên kiệu...

Bắt đầu Lễ phục hiện, trong tiếng trống múa lân rộn ràng, hàng ngàn du khách và nhân dân trong vùng xếp hàng dài theo sau các vị bô lão của phường Núi Sam và lãnh đạo tỉnh An Giang thành kính đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa xứ núi Sam, Nhà bia Liệt sỹ và tiến hành các nghi thức rước tượng Bà Chúa xứ thánh Mẫu từ trên đỉnh núi Sam về Miếu Bà (nơi an vị tượng Bà ở dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc).

Tại đây diễn ra chương trình sân khấu hóa lễ phục dựng rước Bà Chúa xứ núi Sam. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa xứ núi Sam năm nay diễn ra từ ngày 22/5 đến 3/6 tới (tức ngày 15 đến 27/4 Âm lịch); lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ.

“Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải bảo vệ di sản, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Với phương châm tạo điều kiện để du khách và nhân dân cùng tham gia, đưa Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam dần trở về với tính cộng đồng, năm nay, phần hội được tổ chức phong phú, sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của nhân dân và du khách.

Công tác tuyên truyền, quảng bá lan tỏa hình ảnh, ý nghĩa của lễ hội được chú trọng; qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong lễ hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Ngoài lễ phục hiện rước tượng Bà, lễ hội còn có các nghi lễ đặc sắc khác như Lễ tắm Bà vào 24 giờ đêm 30/5 tới (tức ngày 23/4 Âm lịch); lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về Miếu Bà; lễ Túc yết, lễ Xây chầu; lễ Chánh tế; lễ Hồi sắc đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ Miếu Bà về lăng mộ,…

Thông qua Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam, thành phố Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch tỉnh An Giang trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc.

Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, Lễ hội đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Thủ đô Brussels (Bỉ) mỗi dịp cuối năm lại trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh trên khắp các con phố và nhiều hoạt động sôi động, tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Gian hàng món ngon Sài Thành giới thiệu phong phú món ăn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khai mạc Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024

Lễ hội lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt với 5 hương vị nguyên bản, gồm vị của “tuổi thơ” hồn nhiên, “thanh xuân” tươi mới, “vấp ngã” đầy thử thách, “trưởng thành” chín chắn và “đời” sâu lắng.

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi

Mỗi mùa Giáng sinh về, Hong Kong lại khoác lên mình vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của những ánh đèn rực rỡ và không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi.

Đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ hàng nông sản Hòa Bình. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Hòa Bình: Khai mạc Lễ hội Cá Tôm sông Đà năm 2024

Lễ hội với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp.