Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch diễn ra chậm chạp

35% mức giảm phát thải để các nước tiến vào "hành trình" bền vững nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2070, hiện vẫn chỉ dừng trên văn bản mà chưa có hành động thiết thực cụ thể.
Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch diễn ra chậm chạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch đang diễn ra chậm chạp và thực tế này là đáng lo ngại khi các kế hoạch nhằm hiện thực hóa các mục tiêu giảm khí thải carbon hiện nay đều dựa trên các công nghệ chưa ra đời.

Đây là nội dung báo cáo chung của Văn phòng sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 26/4. 

Theo báo cáo có tựa đề "Các sáng chế và chuyển đổi năng lượng," số lượng các bằng sáng chế hằng năm cấp cho các công nghệ phát thải carbon thấp chỉ tăng 3,3% kể từ năm 2017, chậm hơn nhiều so với mức bình quân 12,5% giai  đoạn 2000-2013.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Washington hồi tuần trước, nhiều nước đã tái khẳng định cam kết đạt mức trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ này hoặc ngay sau đó.

Tuy nhiên, báo cáo của EPO-IEA xác định 35% mức giảm phát thải để các nước tiến vào "hành trình" bền vững nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2070, hiện vẫn chỉ dừng trên văn bản mà chưa có hành động thiết thực cụ thể.

[Các nước đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ để bảo vệ hành tinh xanh]

Báo cáo khẳng định ngành năng lượng sạch sẽ chỉ đạt mức phát thải ròng bằng 0 nếu có một "cú huých" mạnh mẽ và mang tính toàn cầu để tăng tốc đổi mới sáng tạo. 

Báo cáo chỉ rõ công nghệ chuyển đổi năng lượng hiệu quả vẫn đứng đầu trong các hoạt động bằng sáng chế, chiếm khoảng 60% tổng số các bằng sáng chế công nghệ liên quan đến năng lượng sạch.

Tuy nhiên, hoạt động sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời đã suy giảm trong gần một thập kỷ qua và chỉ chiếm 17% tổng số bằng sáng chế năm 2019. 

Năm 2017 ghi dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch, nổi trội là pin, hydro và lưới điện thông minh, cùng với công nghệ thu gom, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Báo cáo cho biết các công nghệ cho phép chuyển đổi năng lượng này đã tăng từ 27% các đơn đăng ký bằng sáng chế trong lĩnh vực này vào năm 2000 lên 34% trong năm 2019.

Hiện xe ôtô điện đang "thống trị" số lượng bằng sáng chế công nghệ phát thải carbon thấp.

Châu Âu hiện đang đứng đầu trong tổng số hồ sơ đăng ký bằng sáng chế trong lĩnh vực này với 28%. Tiếp sau đó là Nhật Bản (25%), Mỹ (20%), Hàn Quốc (10%) và Trung Quốc (8%)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục