Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Diện mạo mới của giáo dục đại học Việt Nam
Hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ có thể thấy, chưa bao giờ giáo dục đại học của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm qua.
Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước đã có 149 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng số các trường đại học, học viện trong cả nước.
7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế. 145 chương trình đào tạo của 43 trường đại học được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước; 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Bên cạnh hoạt động kiểm định, xếp hạng đại học là hoạt động được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học Việt Nam đặc biệt coi trọng trong những năm qua. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, hai đại học quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS.
Đến nay, Việt Nam có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới… Đó là kết quả từ sự bứt phá vươn lên của giáo dục đại học Việt Nam.
[7 trường đại học và tham vọng hình thành nhóm trường tiên phong]
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng người học ở bậc đại học, sau đại học, các công bố quốc tế có bước nhảy vọt so với giai đoạn trước.
Những năm gần đây, các trường đại học đã chú trọng xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế cũng như thông qua môi trường nhóm nghiên cứu để nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo.
Từ các nhóm nghiên cứu mạnh của các trường đại học đã tiến tới thành lập một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có vai trò dẫn dắt trong hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia.
Ngoài 2 Đại học quốc gia, nhiều trường đại học đã xác định mục tiêu phát triển thành các đại học nghiên cứu tiên tiến.
Chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế, nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu giáo sư, phó giáo sư, các nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh.
Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với năm 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc). Chỉ số trích dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của thế giới được quốc tế đánh giá, bình chọn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tham gia các chương trình này là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài nhằm phát triển, quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cử hàng nghìn trí thức trẻ, ưu tú đi học đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển nhanh chưa từng có kéo theo yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức với giáo dục đại học.
Vì vậy, giáo dục đại học Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số và có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh, phù hợp.
Các ngành tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý hệ thống thông tin, công nghệ nano, vật liệu và kết cấu tiên tiến... được giảng dạy, đào tạo ở nhiều trường đại học trong cả nước. Điều đó cho thấy, giáo dục đại học của Việt Nam đang đi đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Mặc dù chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đã tăng khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, kết quả so với các nước khác vẫn chưa như kỳ vọng.
Chỉ rõ những vấn đề đang tồn tại của giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam bị phân mảnh trên nhiều bình diện, có nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các cơ chế giải trình chưa hoàn thiện, các kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế, quản lý nhân sự học thuật còn bất cập.
Hiện nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học có 80% đến từ học phí, thu từ nghiên cứu và các nguồn thu nhập khác rất thấp, trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm mạnh.
Tự chủ đại học hiện nay đã trở thành chủ trương lớn, được đưa vào luật nhưng vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và nhiều ràng buộc pháp lý do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục đại học tuy đạt nhiều thành tựu nhưng không dừng lại ở đó, giáo dục đại học buộc phải vươn lên. Tự chủ đại học sẽ tạo ra động lực tự thân mạnh mẽ cho các trường từ áp lực phải tự lực để tồn tại, từ áp lực phải chịu trách nhiệm với kết quả cuối cùng của hoạt động nhà trường trước nhà nước, xã hội và sự đánh giá của thị trường dịch vụ giáo dục.
Nhìn từ góc độ quốc tế, ông Chorítophe Lemiere, Quản lý chương trình phát triển con người-Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sinh viên Việt Nam ra trường còn thiếu hụt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.
Tỷ lệ nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học còn thấp. Hệ thống giáo dục đại học còn manh mún. Quá trình thí điểm tự chủ đại học ở Việt Nam chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức dẫn chứng kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á năm 2018, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn khiêm tốn so với khu vực và thế giới.
Theo đó, kỹ năng của sinh viên Việt Nam tốt nghiệp xếp thứ 128/140 quốc gia; tư duy phản biện trong giảng dạy xếp 113/140; khả năng tìm kiếm người lao động có kỹ năng xếp 104/140.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, đầu ra của quá trình đào tạo trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nguồn nhân lực có năng lực và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Giáo dục đại học Việt Nam cần đổi mới cấu trúc và yêu cầu cũng như chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, để chất lượng nguồn nhân lực hội nhập với khu vực, quốc tế, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
Sinh viên ra trường không chỉ có công ăn việc làm mà còn phải có tầm nhìn, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Các trường đại học đang chuyển mình theo xu thế tự chủ và Việt Nam đang rất cần “cơ chế khoán 10” trong giáo dục đại học và quản lý khoa học công nghệ. Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và giải pháp để triển khai mô hình 4 nhà: Nhà nước-Nhà trường-Nhà khoa học-Doanh nghiệp.
Gửi gắm hy vọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đất nước đang đứng trước nhiều vận hội lớn để hiện thực hóa khát vọng dân tộc.
Đặc biệt, thế giới nói nhiều về thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là sự phát triển một loạt các công nghệ mới, kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số đã tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng ngành công nghiệp, thậm chí thách thức những ý tưởng lớn và những điều có ý nghĩa đối với con người.
Quốc gia nào có khả năng nắm bắt được các thành tựu, các xu hướng mới mở ra thì sẽ thành công, nhờ đó sẽ rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Khả năng nắm bắt thành tựu của cách mạng công nghiệp xét cho cùng là tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực hay chất lượng vốn con người. Việt Nam có thể cạnh tranh, tranh đua được các nước trên thế giới hay không chính là nhờ bản lĩnh, khí chất của thế hệ trẻ.
Trước vận hội mới, ngành Giáo dục và Đào tạo phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước./.