"Đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo đối với Việt Nam" là chủ đề của Phiên Hội nghị toàn thể IV trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới - EROPA 2023, ngày 19/10.
Thông tin về mô hình chính quyền địa phương của Nhật Bản, Giáo sư-Tiến sỹ Masao Kikuchi đến từ Đại học Meiji cho hay Chính phủ Nhật Bản áp dụng hệ thống nhà nước đơn nhất (không phải nhà nước liên bang) trong quan hệ liên chính quyền và việc phân cấp quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương bị mờ nhạt.
Nhiệm vụ của cơ quan công quyền địa phương là thúc đẩy phúc lợi của người dân, vì mục đích đó, cơ quan này sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ trong tự chủ và thực thi nhiệm vụ toàn diện của chính quyền địa phương.
Mỗi chính quyền địa phương có bộ phận hành pháp và lập pháp chịu sự điều hành của các thống đốc hoặc thị trưởng được bầu và các thành viên hội đồng dân cử tương ứng (hệ thống thị trưởng mạnh).
Vị thế của đơn vị hành chính cơ sở về cơ bản phụ thuộc vào quy mô dân số. Thị trấn có hơn 50.000 dân có thể đăng ký cấp thành phố.
Tiêu chí để trở thành thị trấn phụ thuộc vào pháp lệnh của tỉnh. Các thành phố có hơn 500.000 dân có thể trở thành "thành phố được chỉ định" theo Lệnh của Nội các.
Nhật Bản đã trải qua 3 lần hợp nhất các đơn vị hành chính cơ sở lớn. Trong 50 năm qua, số lượng các đơn vị hành chính cơ sở giảm từ 3.300 xuống còn dưới 1.800.
Tính đến tháng 10/2023, đất nước này có 47 tỉnh (chính quyền địa phương cấp vùng) và 1.718 đơn vị hành chính cơ sở (trong đó có 792 thành phố, 743 thị trấn, 183 làng).
Nhật Bản có hệ thống nhân sự chặt chẽ, cứng nhắc nhưng lại có tính cơ động cao, có thể điều chuyển nhân viên giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chuyển giao nhân sự tạm thời từ các công ty tư nhân/tổ chức phi chính phủ sang chính quyền Trung ương.
Từ phía Việt Nam, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết Hiến pháp 2013 đã có các quy định "mở đường" cho các cải cách đổi mới chính quyền địa phương, trong đó Điều 111 quy định theo hướng mở ra cơ hội tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính đặc biệt do luật định.
Phân quyền, phân cấp, ủy quyền rành mạch giữa cơ quan nhà nước Trung ương-địa phương và cả trong mỗi cấp chính quyền địa phương của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đi liền với việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền là đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực để chủ trương này được thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
[Hội nghị EROPA 2023: Quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững]
Trên cơ sở Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Quốc hội đã cho phép Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mô hình chính quyền đô thị với nhiều điểm khác biệt.
Hà Nội thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở phường. Đà Nẵng thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường.
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị đem đến nhiều thay đổi, cả về phương thức chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường và của cả hệ thống chính trị ở địa phương, từ cấp thành phố cho đến cấp quận, huyện và cấp xã.
Tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ đánh giá sơ kết quá trình hơn 2 năm thực hiện, làm cơ sở đề xuất các định hướng đổi mới, hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương để triển khai trên thực tế trong thời gian tiếp theo.
Ông Phan Trung Tuấn thông tin về quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Việt Nam, cho biết, giai đoạn 2019-2021 đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã.
Giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục sắp xếp một bước nữa. Giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính đảm bảo tinh gọn, giảm số lượng, tăng quy mô, tạo không gian dự địa để phát triển bền vững hơn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố có diện tích 3.359km2, trong đó trên 50% là nông thôn. Mô hình nào để phát huy, tận dụng được lợi thế và đặc điểm riêng có là vấn đề thành phố đang quan tâm. Nếu biết phát huy, phần trên 50% nông thôn ấy sẽ là điểm mạnh.
Thành phố đang cùng các chuyên gia nghiên cứu đề xuất mô hình. Bài học từ Nhật Bản khi chất lượng sống của người dân nông thôn tiệm cận với đô thị là một mô hình Hà Nội đang nghiên cứu học tập.
Ông Hà Minh Hải cho biết trong đổi mới quản trị công, khâu thực hiện vẫn là khâu yếu. Ngoài nguyên nhân về con người, thủ tục hành chính, khâu yếu này còn do việc phân công, phân cấp, phân quyền và ủy quyền là một điểm nghẽn.
Bài toán này nếu tháo gỡ, giải quyết tốt sẽ tạo động lực rất tốt. Vì vậy, tháng 3/2022, thành phố đã xây dựng Đề án phân cấp và ủy quyền.
Thành phố đã phân cấp 16 lĩnh vực, 708 thủ tục hành chính từ cấp thành phố cho cấp huyện và từ cấp huyện cho cấp xã. Qua đánh giá, việc ủy quyền đã làm giảm đầu mối, tầng nấc rất lớn, giảm thủ tục hành chính và chi phí, nhận được sự đồng thuận của người dân và cán bộ, công chức, viên chức.
Đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Tiến sỹ Kristoffer Berse, Trường Hành chính và Quản trị Quốc gia Philippines, Phó Tổng Thư ký EROPA cho rằng cần phải nâng cao phát triển năng lực trong khu vực công.
Các tổ chức hành chính công chỉ có thể vận hành tốt khi có nguồn lực tốt. Bình đẳng giới là vấn đề rất quan trọng, cần có sự tiến hóa về tư duy và quy trình áp dụng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi Số, nâng cao Năng lực Số cho đội ngũ cán bộ; có hệ thống giám sát đánh giá dành riêng cho phát triển bền vững; củng cố vai trò của các cơ chế, khuyến khích sự tham gia của nhiều bên và quan hệ công chúng./.