Trong khuôn khổ Hội nghị Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA) năm 2023, ngày 17/10 diễn ra Phiên Toàn thể cấp cao thứ I: Diễn đàn lãnh đạo châu Á lần thứ 11 với chủ đề “Quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững.”
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam và Giáo sư-Tiến sỹ Masao Kikuchi, Đại học Meiji của Nhật Bản, điều hành Phiên toàn thể.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết đây là Diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo chính sách ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thảo luận các vấn đề chính sách quan trọng và cấp bách trong hành chính và quản trị công. Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2010 trong khuôn khổ Hội nghị EROPA lần thứ 56 ở Nepal, Diễn đàn đã thảo luận về các chủ đề quan trọng trong lãnh đạo, quản lý như lãnh đạo trong ứng phó với các xu hướng toàn cầu, lãnh đạo trong hội nhập khu vực và toàn cầu, và lãnh đạo vì sự thành công của cải cách hành chính.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo trao đổi về những vấn đề mới, nhiều thách thức và phương thức đổi mới để hướng tới một nền quản trị công có chất lượng hơn, thể hiện tầm nhìn mới trong thời đại ngày nay với sự tham gia tích cực của các chủ thể khác nhau trong xã hội để giải quyết các vấn đề chung ở mọi cấp độ, từ địa phương tới quốc gia.
Tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn đã cùng trao đổi và mang đến cái nhìn sâu sắc về vấn đề có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
Với những thực tiễn phong phú, sâu sắc của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn hàn lâm, chuyên sâu về hành chính công và quản trị công của một giảng viên đại học, Luật sư danh dự Benjamin Abalos Jr., Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm sinh động về lãnh đạo, quản lý, có khả năng kiến tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, phát triển hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
[Hội nghị EROPA 2023: Quản trị công phải đủ năng lực xử lý khủng hoảng]
Chia sẻ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế ở cấp cơ sở, Bộ trưởng Benjamin Abalos Jr cho hay, Philippines xác định những chỉ số, chỉ tiêu cụ thể và giám sát hằng năm các chỉ số này, đảm bảo mức độ tuân thủ chính sách tốt, liên tục phát triển chính sách mới, xây dựng năng lực cho các chính quyền địa phương.
Trong chuyển đổi số, Philippines tiến hành đồng bộ hóa các hệ thống cấp phép doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh và đảm bảo các quy trình diễn ra trong thời gian rất ngắn, 20-21 ngày. Hệ thống này được đưa vào trong quy trình thực hiện chính thức, các chính quyền địa phương đều có quyền tự quyết riêng. Tất cả mọi người, doanh nghiệp đều có thể được cấp phép liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng mà họ triển khai.
Giới thiệu về hệ thống dành cho công an, cảnh sát, vị Bộ trưởng cho biết mọi người đều có thể sử dụng điện thoại để báo cáo vụ việc vi phạm mà họ phát hiện được với lực lượng chức năng.
Ngoài ra, Philippines có hệ thống quản lý của chính quyền điện tử, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính như nộp thuế, đăng ký kinh doanh, đăng ký kết hôn… trên đó. 879 cơ quan hành chính đã có hệ thống điện tử một cửa.
Philippines phải đối mặt với thiên tai hằng ngày, bao gồm động đất, bão lũ… Việc số hóa cũng giúp nước này nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai. Chính quyền phải quản lý diễn biến của thiên tai cũng như cảnh báo cho người dân.
Hệ thống số của chúng tôi đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ trưởng Benjamin Abalos Jr nói.
Qua video clip trình bày gửi tới Diễn đàn, Tiến sỹ Alikhain Baimenov, Chủ tịch Ban Công vụ Astana, Cộng hòa Kazakhstan, cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều cuộc xung đột cạnh tranh chiến lược, sự nổi lên của thế hệ gen Z đến quá trình phát triển thế giới, những bất ổn và thách thức các quốc gia đang phải đối mặt đặt ra yêu cầu phải đổi mới nền hành chính công. Thời gian qua, nền hành chính công và công vụ của các nước thành viên EROPA đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển đất nước.
Để đạt được các mục tiêu phát triển, cần huy động tham gia của tất cả mọi người dân, đặc biệt là huy động và phát huy sự sáng tạo của thế hệ trẻ, thế hệ gen Z. Làm thế nào để nền hành chính công đảm bảo mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người dân, đạt được sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển ngắn hạn, dài hạn và mục tiêu phát triển bền vững, Tiến sỹ Alikhain Baimenov lưu ý.
Ông cũng cho biết thời gian qua Kazakhstan đã hợp tác với nhiều nước châu Á và châu Âu để thúc đẩy quản trị công có hiệu quả, tăng cường hơn nữa tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm và đảm bảo Chính phủ phải lắng nghe tiếng nói của người dân.
Chính phủ nước này cũng hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc và Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện dự án tăng cường năng lực cho đội ngũ thực thi công vụ, đặc biệt là trong chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Kazakhstan chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường nhận thức của các cơ quan công vụ về nhu cầu cải cách hành chính công, nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thúc đẩy một nền hành chính hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm.
Việc thiết lập và tham gia các diễn đàn đa phương về hành chính công như EROPA đóng vai trò quan trọng để Kazakhstan thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công hoạt động hiệu quả và chất lượng.
Còn theo Tiến sỹ Dato Anesee Ibrahim, Phó Trưởng ban Công vụ Malaysia, để đảm bảo thành công trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, giới học giả. Việc thực hiện một cách toàn diện các mục tiêu SDG đòi hỏi phải huy động nguồn lực một cách hiệu quả, tăng cường năng lực và đảm bảo nguồn lực tài chính.
Chính sách phát triển của Malaysia luôn hướng tới thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự và môi trường kinh tế, xã hội, đảm bảo nâng cao đời sống người dân. Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việc đưa các mục tiêu SDG vào các chương trình, dự án phát triển quốc gia, chương trình hành động về phát triển đất nước đã giúp cho đất nước này đạt được các chỉ tiêu đặt ra.
Cam kết của Malaysia trong cải cách chiến lược nền hành chính công đã cho thấy kết quả cụ thể, như thăng hạng trong xếp hạng về năng lực cạnh tranh thế giới. Trong chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, nước này cũng có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2021-2002, các chỉ số như tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình, chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát tham nhũng… đã tăng đáng kể./.