Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Y tế đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Tối 27/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức trọng thể chương trình kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2017) với chủ đề “Y tế Việt Nam - Đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; tôn vinh 134 “Thầy thuốc Nhân dân” mới được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng. 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và phát biểu tại chương trình kỷ niệm; trao danh hiệu cho các “Thầy thuốc Nhân dân.”

Cùng dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, các thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân.”

  

Suốt chặng đường 62 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các thế hệ thầy thuốc đã có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào.

Hàng nghìn cán bộ y tế, trong đó cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm là những tấm gương sáng tiêu biểu, đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ thành phố tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tận tụy cống hiến, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đem lại hạnh phúc cho mọi gia đình.

Phát biểu tại chương trình kỷ niệm, ghi nhận và biểu dương nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến thầm lặng nhưng hết sức to lớn và những kết quả đáng trân trọng của ngành Y tế, của đội ngũ thầy thuốc trong những năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của con người và của toàn xã hội, là nền tảng cơ bản nhất để mỗi người sống, làm việc, cống hiến, tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc mới trường tồn, nòi giống mới được duy trì và phát triển. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm gần đây, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, qua đó góp phần to lớn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở, ngày càng được củng cố và phát triển. Công tác y tế dự phòng được chú trọng, nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ; kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng những thành tựu khoa học - kỹ thuật của nhân loại.

Cùng với đó, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế có bước chuyển biến tích cực, củng cố thêm niềm tin của người dân đối với ngành Y tế nước nhà.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Y tế cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, ngành Y tế cần chú trọng tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng để mỗi người dân, mỗi gia đình chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Để mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Y tế đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; kịp thời dự báo và có biện pháp ngăn ngừa để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sức khỏe do thay đổi môi trường và điều kiện lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngành Y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ để có đủ khả năng giải quyết cơ bản nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngay tại địa phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị ngành Y tế đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tiếp cận, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ y sinh học, phấn đấu đưa nền y tế nước ta đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc, vắcxin trong nước; kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Một nhiệm vụ ngành Y tế cũng cần chú trọng là mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự giúp đỡ và đầu tư nguồn lực của các nước có nền y học tiên tiến, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đầu tư nguồn lực và hỗ trợ trang thiết bị y tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, nghề y là nghề cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền,” không ngừng nâng cao trình độ y lý, y thuật, y đức, ý thức trách nhiệm và sự hết lòng vì người bệnh.

Người thầy thuốc không chỉ giúp người dân vượt qua bệnh tật, giữ gìn, nâng cao sức khỏe mà còn để lại trong lòng nhân dân những tình cảm ấm áp, tốt đẹp về tình người, về đạo lý nhân sinh.

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng ngành Y tế theo hướng “công bằng - hiệu quả - phát triển”, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, ngành Y tế có những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới toàn diện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; đổi mới công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng...

Ngành Y tế cũng đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu của y học cổ truyền; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác khám, chữa bệnh.

Với quan điểm “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng Công bằng - Hiệu quả - Phát triển,” ngành Y tế không ngừng củng cố, mở rộng, phát triển và đổi mới toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ y tế có chất lượng, chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ngay tại cộng đồng.

Rất nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế và đẩy lùi, không để dịch lớn xảy ra; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt trên 90%; số người dân tham gia bảo hiểm 81,7%...

Trong chương trình kỷ niệm, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình giao lưu với các cán bộ y tế tiêu biểu.

Đó là những cán bộ hoạch định chiến lược y tế, các thầy thuốc làm công tác y tế dự phòng, trực tiếp điều trị bệnh nhân; là những bác sỹ đầu ngành phát minh ra các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị những căn bệnh nan y; gương bác sĩ trẻ, các gương mặt xuất sắc của quân y và dân y.

Xen kẽ trong chương trình là các tiết mục nghệ thuật, phóng sự cảm động về những người thầy thuốc hết lòng cứu chữa bệnh nhân, trong đó không ít người đã mạo hiểm cả tính mạng; về sự đóng góp thầm lặng, nhưng vô cùng quan trọng của những người làm công tác y tế dự phòng như phòng chống dịch, quản lý môi trường y tế, bảo đảm an toàn thực phẩm, những người làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục