Dấu ấn ghép tạng Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới

Kỹ thuật ghép tạng thắp lên giấc mơ đi học của cậu bé dân tộc Dao

Ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành tựu này đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Kỹ thuật ghép tạng thắp lên giấc mơ đi học của cậu bé dân tộc Dao ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân Ly Chương Bình vừa được ghép phổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ly Chương Bình - cậu bé 7 tuổi người dân tộc Dao lúc nào cũng khò khè từ khi sinh ra. Bình mắc bệnh từ khi sơ sinh, phổi bị viêm đã ảnh hưởng tới chức năng của tim và bé đã bắt đầu có dấu hiệu suy tim nhẹ. Thêm vào đó, bé suy dinh dưỡng, tuy đã 7 tuổi nhưng bé chỉ nặng vẻn vẹn có 14kg.

Giáo sư Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y 103 cho hay: “Hai lá phổi của bé trai giãn như 2 chùm nho. Hai bên chứa đầy nước, thường xuyên nhiễm trùng. Ngay từ khi 2 tháng, cháu bé đã có dấu hiệu khó thở, khóc to là tím tái. Nếu không ghép, bệnh nhân sẽ nặng dần rồi tử vong.”

Ấy vậy mà, hai ngày sau khi ghép phổi, sức khỏe của bé đã tiến triển tốt. Các bác sỹ như mang đến cho Bình một cuộc đời mới khi tình hình sức khỏe bé đang hồi phục tốt.


Hơn 100 y bác sỹ với "trận đánh" thứ 5

Ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống thành công đã tiếp tục ghi dấu ấn của ngành ghép tạng Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Thành tựu đó là minh chứng cụ thể nhất cho việc ứng dụng hiệu quả những thành tựu trong nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cuộc sống.

Học viện Quân Y là một trong những trung tâm ghép tạng lớn của quân đội và cả nước. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép khối tụy - thận, năm 2016, Học viện xác định nghiên cứu triển khai ghép phổi trên người là nhiệm vụ trọng tâm.

Tháng 11/2016, Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng". Chủ nhiệm đề tài là thiếu tướng, giáo sư, Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y.

Để triển khai, ứng dụng hiệu quả đề tài trên trong cuộc sống, ban lãnh đạo Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị… và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản).

Bệnh nhân được lựa chọn ghép phổi là bé Ly Chương Bình (7 tuổi, ở huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang). Bình bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai bên phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3 và có chỉ định ghép phổi.

Tâm sự về ca ghép phổi đầu tiên này, tiến sỹ Hoàng Văn Chương - Bộ Môn Khoa Gây mê (Bệnh viện Quân y 103) cho hay, ca ghép phổi được coi là "trận đánh" thứ 5 của các bác sỹ tại Bệnh viện Quân y 103. Năm 1992, các bác sỹ của bệnh viện với “trận đánh” đầu tiên là thực hiện việc ghép thận, tới năm 2004 là ghép gan, năm 2010 ghép tim, năm 2014 ghép tụy thận và tới nay lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi.

Cuộc mổ kéo dài khoảng 11 giờ, với sự tham gia của các chuyên gia tới từ Nhật Bản và hơn 100 nhân viên y tế của Học viện Quân y 103.

Ca ghép phổi với ba kíp mổ hoạt động đồng thời, trong đó 2 ca lấy thùy dưới phổi của bố và bác ruột để thay thế cả 2 lá phổi cho bé. Ca mổ đã thành công ngoài sức mong đợi của các y bác sỹ cũng như các chuyên gia

“Phép nhiệm màu” với em bé người Dao

Phổi của bệnh nhân Lý Chương Bình đã bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, bị nhiễm trùng thường xuyên. Từ 2 tháng tuổi, bệnh nhân đã có biểu hiện khò khè khó thở. Mẹ bệnh nhân cho hay, mỗi lần Bình khóc đều tím tái toàn thân nên các bác sỹ chỉ định chỉ còn cách là phải thay cả 2 lá phổi.

Chính vì nỗi đau bệnh tật đeo đẳng trên cơ thể em hàng ngày, hàng giờ nên dù đã đến tuổi đến trường nhưng dường như giấc mơ đi học của Bình vẫn rất xa vời.

Ngỡ tưởng như cuộc đời, cuộc sống của cậu bé người dân tộc Dao này không có lối thoát, không một tia hy vọng.

Vậy nhưng, qua hơn 10 giờ đồng hồ phẫu thuật, với sự tận tâm nỗ lực hết sức của các y bác sỹ tại Viện 103 vừa qua như một phép nhiệm màu, mang đến cho em một cuộc đời hoàn toàn khác.

Kỹ thuật ghép tạng thắp lên giấc mơ đi học của cậu bé dân tộc Dao ảnh 2Bố mẹ bé Ly Chương Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Phàn Thị Tâm - mẹ bé Bình xúc động tâm sự, chị chỉ mong ước Bình nhanh chóng bình phục để con được thực hiện ước muốn đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

“Năm 2016 cháu đã đến tuổi vào lớp 1 rồi nhưng do ốm yếu nên cháu không đi học được. Giờ đây, cháu đang bình phục rồi, em cảm thấy rất hạnh phúc. Em chỉ muốn cảm ơn các bác sỹ đã tận tình cứu chữa cho con em” – chị Tâm nghẹn ngào.

Sau ca phẫu thuật thành công tại viện 103, bà Chạo Thị Mười (66 tuổi) - bà ngoại bé Bình xúc động đến mức, ai hỏi điều gì, bà cũng một câu cảm ơn tới các y bác sỹ trong và ngoài nước đã ghép phổi cho cháu ngoại của bà. Bởi từ nay, bé Bình đã khỏe lại, có thể đi học, tăng cân, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.

Giáo sư Đỗ Quyết phân tích, cháu Bình đã hồi phục, thậm chí còn giơ tay bắt, nói được. Theo giáo sư Quyết, với tình hình của cháu Bình như hiện nay thì có thể nói là ca mổ đã rất thành công.

Thăm bệnh nhân sau ca ghép phổi đầu tiên thành công, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Thành tựu này đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

25 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển với nhiều thành tựu ngang tầm thế giới đã hồi sinh hàng nghìn cuộc đời. Thành công trên đã đưa trình độ khoa học và công nghệ về ghép tạng của Việt Nam tiệm cận với trình độ khu vực và trên thế giới. Đó còn là minh chứng sâu sắc nhất cho thấy, những thành tựu của khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục