Đối tác liên minh cầm quyền ở Romania rút khỏi chính phủ

Đảng Dân tộc Tự do đã quyết định rút khỏi Liên minh Xã hội Tự do cầm quyền tại Romania sau khi không đạt được đồng thuận về việc cải tổ nội các.
Đối tác liên minh cầm quyền ở Romania rút khỏi chính phủ ảnh 1Người đứng đầu Đảng Dân tộc Tự do Crin Antonescu. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hãng AFP đưa tin ngày 25/2, người đứng đầu Đảng Dân tộc Tự do (NLP) ở Romania Crin Antonescu cho biết NLP đã quyết định rút khỏi Liên minh Xã hội Tự do (SLU) cầm quyền sau khi không đạt được đồng thuận với Thủ tướng Victor Ponta liên quan tới việc cải tổ nội các.

Phát biểu với các phóng viên, ông Antonescu tuyên bố: "Thật không dễ đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị do Thủ tướng Victor Ponta châm ngòi, chúng tôi đã quyết định sẽ rút toàn bộ các bộ trưởng của NLP khỏi nội các."

Bất chấp động thái trên của NLP, đảng có 10 ghế trong tổng số 27 ghế bộ trưởng trong nội các, chính phủ của ông Ponta dự kiến sẽ vẫn nắm giữ quyền lực.

Sự rạn nứt trong Liên minh Tự do-Xã hội (SLU) cầm quyền diễn ra khi chỉ còn 9 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống và xuất phát từ quyết định từ chức ngày 19/2 của hai Bộ trưởng thuộc đảng Tự do sau khi Thủ tướng Ponta từ chối bổ nhiệm một thành viên của đảng này vào chức Phó Thủ tướng. Nguyên nhân sâu xa theo giới phân tích là do các phái đều muốn gia tăng ảnh hưởng trước thềm bầu cử và muốn đưa người của đảng mình vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ.

Dự kiến, Thủ tướng Ponka sẽ đệ trình Quốc hội kế hoạch thành lập liên minh mới trước ngày 8/3 tới.

Liên minh trung tả được thành lập năm 2011 giữa hai đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và các đảng trung hữu gồm PNL, đảng Tự do và 2 đảng nhỏ khác trong bối cảnh đông đảo người dân biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính phủ phải thi hành theo yêu cầu của các chủ nợ. Trong cuộc bầu cử tháng 12/2012, SLU đã giành thắng lợi lớn trước Đảng Dân chủ-Tự do trung hữu của Tổng thống Traian Basescu.

Giới chuyên gia đánh giá thay đổi mới trên chính trường Romania sẽ ảnh hướng đến đồng nội tệ và khiến giới đầu tư thận trọng trong các dự án vào nền kinh tế đạt mức tăng trưởng nhanh nhất Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.