Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) vừa tổ chức Đối thoại cấp cao lần thứ hai về môi trường và biến đổi khí hậu.
Ban thư ký ASEAN cho biết bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Phát triển bền vững toàn cầu thuộc Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu; ông Jacob Werksman, Cố vấn chính thuộc Tổng cục Hành động khí hậu; và ông Hazri Hassan, Vụ trưởng Chính sách quốc tế thuộc Bộ Bền vững và Môi trường Singapore, quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-EU, đã chủ trì cuộc họp.
Tại đối thoại, ASEAN và EU đã thảo luận về hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu theo Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 22.
[Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường hướng tới hệ sinh thái]
Tiếp theo phiên đối thoại lần thứ nhất vào tháng 7/2019, đối thoại lần thứ hai đã tạo cơ hội trao đổi thêm kinh nghiệm về các mục tiêu môi trường và khí hậu, đồng thời thúc đẩy các giải pháp khu vực cho quá trình chuyển đổi xanh.
Cuộc thảo luận tập trung vào Thỏa thuận Xanh châu Âu, kết quả của Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 31 về môi trường, và việc lựa chọn phát triển bền vững làm trọng tâm trong khuôn khổ phục hồi của khu vực.
Các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng quan trọng giữa ASEAN và EU, trong đó có chống rác thải nhựa, kinh tế tuần hoàn, đa dạng sinh học, và vốn tự nhiên.
EU đã thông báo về ý định thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa vốn được đánh giá là quan trọng đối với cả EU và ASEAN, đồng thời thông báo tiếp tục triển khai dự án chống rác thải nhựa và rác thải đại dương tại 5 nước ASEAN.
Đối thoại cũng tập trung vào các chủ đề hóa chất và rác thải, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy an toàn và bền vững theo thỏa thuận có liên quan, trong đó cả ASEAN và EU đều là các bên tham gia giải quyết vấn đề buôn bán chất thải và xả thải bất hợp pháp.
Phía ASEAN thông báo về việc thiết lập nền tảng khu vực về kinh tế tuần hoàn. Về phần mình, phía EU bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập nền tảng này, coi đây là một phần của sáng kiến chung EU-ASEAN về kinh tế tuần hoàn.
Hai bên bày tỏ quan tâm đến đa dạng sinh học và vốn tự nhiên; nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị các bên tham gia Công ước da dạng sinh học (COP13) vào năm tới tại Côn Minh (Trung Quốc), đồng thời nêu rõ nhu cầu cấp thiết phải cùng nhau hướng tới một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.
Trong phần thứ hai của cuộc thảo luận, các quan chức ASEAN và EU đã trao đổi ý kiến về biến đổi khí hậu, trong đó có việc Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), các hành động giảm thiểu cụ thể, các chiến lược dài hạn, mục tiêu trung lập về khí hậu, cũng như các xu hướng mới về tài chính bền vững. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác về các chủ đề này trong thời gian tới./.