Ngày 7/10, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Việt Nam đã tổ chức Đối thoại Quốc gia về Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam chu kỳ 6 giai đoạn 2014-2018.
Chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và ông William Ehlers, Trưởng ban đối ngoại Quỹ Môi trường toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động vận động tài trợ và xây dựng dự án từ nguồn tài trợ của GEF.
Tổng kinh phí đã nhận được từ GEF gồm 130 triệu USD tài trợ trực tiếp cho 51 dự án quốc gia và 43 dự án khu vực mà Việt Nam có tham gia.
GEF cũng đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc gia khi tham gia Công ước quốc tế, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về quy mô cũng như độ phức tạp.
Nhờ có sự giúp đỡ của GEF, các vấn đề về hóa chất, chất thải nguy hại, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy thoái đất, nguồn nước… ở Việt Nam đã và đang được giải quyết một cách tích cực, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Đối thoại Quốc gia về Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam tập trung thảo luận về các định hướng, chương trình hoạt động của chu kỳ 6 giai đoạn 2014-2018 nói chung, trong đó xác định ưu tiên của Việt Nam cho chu kỳ này.
Theo đó, sẽ tăng cường điều phối Quốc gia trong các hoạt động của GEF và chia sẻ kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án GEF. Lồng ghép các hoạt động của GEF vào việc lập quy hoạch, kế hoạch. Thúc đẩy hợp tác với khối tư nhân, tổ chức xã hội và các nhà tài trợ trong lĩnh vực môi trường…
Theo đánh giá của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức đối thoại quốc gia về GEF nhiệm kỳ 6, nên cần chú trọng đi đôi giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Ngân hàng Thế giới sẽ cùng với GEF hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề về môi trường. Đặc biệt là hỗ trợ về chiến lược, chính sách, nhằm giúp GEF Việt Nam trở thành tổ chức quan trọng trong diễn đàn môi trường thế giới.
Việt Nam luôn coi trọng chiến lược tăng trưởng xanh, chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển chương trình với 3 trụ cột. Đó là chính sách, tăng cường nhân lực và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở đảm bảo tính bền vững điển hình.
Trước những thách thức về môi trường, không thể xử lý một cách đơn lẻ, cục bộ. Các chương trình, dự án cần được xây dựng theo cách tiếp cận lồng ghép, tổng hợp, giải quyết đa lĩnh vực.
Đối thoại Quốc gia về Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam chu kỳ 6 giai đoạn 2014-2018, là cơ hội để các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý, các tổ chức phi Chính phủ cùng nhau đưa ra giải pháp hợp tác chung, từ chuẩn bị dự án ưu tiên đến chung tay triển khai thực hiện cho các vấn đề môi trường của Việt Nam và của khu vực./.