"Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học" là chủ đề buổi đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 10/2.
Buổi tọa đàm nhằm đánh giá về những mặt làm được và chưa được của công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua, làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kiểm định chất lượng giáo dục đại học thời gian qua đã đạt được một số hiệu quả nhất định.
Thành tựu lớn nhất là trong nhận thức và hành động, từ đội ngũ cán bộ quản lý, đến giảng viên, sinh viên các trường đại học đã có sự chuyển biến tích cực, xem kiểm định chất lượng như giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển nhà trường bằng chính chất lượng đào tạo của trường.
Nhiều chương trình đào tạo đã được đánh giá theo chuẩn của trong nước và quốc tế. Hơn 700 người đã hoàn thành các khóa kiểm định viên, trong đó gần 240 người được cấp thẻ kiểm định viên đủ các điều kiện tham gia các đoàn đánh giá ngoài.
Tuy nhiên, Cục trưởng cho rằng công tác kiểm định chất lượng hiện nay bộc lộ một số bất cập như chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên chưa đồng đều kéo theo chất lượng báo cáo tự đánh giá của các nhà trường chưa đạt được như mong muốn. Mặc dù hệ thống văn bản tương đối đầy đủ nhưng chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, xử lý những trường làm chưa tốt chưa đủ mạnh. Các bộ công cụ để đánh giá trong chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành phát triển nhanh của thực tế giáo dục đại học, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hiện các tiêu chuẩn đánh giá gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Tuy nhiên, giáo dục liên tục có sự biến đổi, chức năng của các trường đại học có sự biến đổi. Nhìn vào nội hàm của mô hình đại học, có nhiều yêu cầu chức năng mới của giáo dục đại học. Việc bổ sung những yêu cầu mới với chất lượng giáo dục đại học là cần thiết.
Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng thay đổi tiêu chuẩn, tiêu chí là cần thiết để bắt kịp sự phát triển của thế giới, đòi hỏi các trường đại học cố gắng hơn, đánh giá toàn diện hơn.
Dưới góc độ một trường đại học đã hai lần thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng cần thiết, nhất thiết và tất yếu phải thay đổi bộ tiêu chuẩn mới bởi một số nội dung của bộ tiêu chí hiện hành lạc hậu so với thực tế hiện nay.
Giải thích về sự cần thiết phải ban hành bộ thông tư mới về kiểm định cơ sở giáo dục đại học, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh cho rằng giáo dục đại học hiện đặt ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế sôi động. Xu hướng hội nhập quốc tế và đặc biệt là khi cộng đồng ASEAN đưa vào vận hành xuất hiện sự chuyển dịch cạnh tranh lao động, nếu giáo dục đại học không thay đổi chất lượng nguồn nhân lực rất khó cạnh tranh và đôi khi sẽ thua ngay trên sân nhà. Để tầm nhìn dài hạn hơn, nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, việc nâng cao chất lượng đào tạo là trọng trách đặt lên vai các cơ sở giáo dục đại học.
Xây dựng bộ công cụ mới như là thang thước để đạt được chuẩn mực của khu vực, các trường xem vào đó, từng bước duy trì điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nâng cao chất lượng giáo dục, đủ sức đáp ứng sự phát triển của trong nước và sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và quốc tế.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận. Khác với bộ tiêu chuẩn hiện hành tiếp cận nhiều theo quản trị chất lượng, áp các quy định và yêu cầu đối với thực hành của nhà trường, bộ tiêu chuẩn mới gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, không chỉ đánh giá, kiểm định về vào đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ.
Bộ tiêu chuẩn cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối ASEAN, thị trường lao động quốc tế.
Qua tiêu chuẩn kiểm định này, có thể thấy được các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế. Đây cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, là một trong các tiêu chí để Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và để nâng cao chất lượng kỳ thi trung học cơ sở quốc gia và tuyển sinh cao đẳng, đại học trong thời gian tới.
Các vị khách mời đều chung nhận định bộ công cụ mới đã đề cập toàn diện các mặt của giáo dục đại học, sự hài lòng của các bên liên quan, thể hiện sự giám sát xã hội, từng bước hình thành hệ thống văn hóa trong nhà trường, từ bảo vệ, lao công đến các học viên, sinh viên trong nhà trường phải vận hành theo hệ thống đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên./.