Đối thoại Chính sách Việt Nam - Liên minh châu Âu cho chương trình "Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo" đã được tổ chức sáng 4/5, tại Hà Nội.
[Thủ tướng chủ trì họp về hợp tác thương mại Việt Nam-EU]
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, Chương trình hỗ trợ của EU sẽ giúp Việt Nam hướng tới việc xây dựng một thị trường điện hiện đại, giảm khí phát thải.
Quan trọng hơn là EU sẽ phối hợp cùng với phía Việt Nam trong việc thực hiện và chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh qua đó hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương và đa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu của Việt Nam là hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, độc lập và hướng tới việc phát triển năng lượng bền vững, hiện đại.
Thông qua việc hợp tác và giúp đỡ của liên minh châu Âu, Việt Nam muốn mở rộng hợp tác cả về phát triển năng lượng nông thôn, hải đảo thể hiện tính bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và mang lại lợi ích chung cho người dân cũng như những người nghèo trong xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn hợp tác với EU để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ từ dư luận xã hội cũng như thiết lập cơ chế hợp tác về lưới điện thông minh, góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn, bền vững hơn.
Việc đối thoại chính sách sẽ là là hoạt động diễn ra thường niên từ nay cho đến năm 2020 và là một phần trong cam kết của Chính phủ Việt nam về minh bạch nền tài chính công, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện với mục tiêu cung cấp điện ổn định, tin cậy, thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo./.