Đổi tình lấy vai diễn - Một phần của cuộc chơi danh vọng?

Nếu điện ảnh được xem là một ngành công nghiệp thì những thứ nội tại của nó có thể coi như hàng hóa được mua bán đổi chác thì đổi tình lấy vai diễn thực chất là một cuộc ngã giá sòng phẳng.

Nếu điện ảnh được xem là một ngành công nghiệp thì những thứ nội tại của nó có thể coi như hàng hóa được mua bán đổi chác. Đổi tình lấy vai diễn thực chất là một cuộc ngã giá sòng phẳng. Còn chuẩn mực đạo đức, hãy nói về nó khi người ta có thể tỉnh táo trước cám dỗ và cạm bẫy.


Không ai cho không ai thứ gì

Tình dục và danh vọng, về mặt nào đó, là hai vấn đề gần như không thể tách rời trong đời sống và nghệ thuật. Thuở sơ khai, khi chưa có trường dạy diễn xuất, các đạo diễn, nếu không muốn dùng diễn viên sân khấu, thì chỉ còn cách sử dụng các “tay mơ đường phố” (thuật ngữ dùng cho những diễn viên không chuyên).

Hollywood ra đời cùng sự xuất hiện của hàng loạt ông trùm điện ảnh, những người có đủ tiền và quyền để có thể biến diễn viên vô danh vụt trở thành ngôi sao sau một bộ phim. Nhưng không ai cho không ai thứ gì trở thành quy ước ngầm mà các tay mơ mới vào nghề phải học thuộc. Nếu coi vai diễn là một món hàng, thì cuộc đổi chác ấy sòng phẳng, kẻ được thỏa mãn tình dục, người được chạm vào giấc mơ điện ảnh.

Con đường từ số 0 trở thành ngôi sao (from zero to hero) là một chặng đường đầy cạm bẫy và cám dỗ. Song có thể nói cả kẻ mua lẫn người bán đều thừa tỉnh táo và khôn ngoan để cân nhắc thiệt hơn trong cuộc đổi chác này.

[15 năm sau “Người Mỹ trầm lặng”: Nàng thơ và những chiếc đũa thần]

Nhưng cuộc sống không chỉ có hai màu đen-trắng. Xen lẫn những phi vụ chóng vánh, người ta vẫn thấy đâu đó chút màu hồng của những mối tình. Điển hình là chuyện nhà sản xuất phim người Italy huyền thoại Carlo Ponti bị “sét đánh” khi gặp Sophia Loren tại một cuộc thi hoa hậu năm 1950, khi đó bà mới 15 tuổi.

Carlo đã biến Sophia từ một cô gái chân quê trở thành huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh Italy. Những lời đồn thổi về mối quan hệ đổi tình lấy vai diễn của Sophia-Carlo khiến cả hai gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của tòa thánh Vatican và phải rời nước Italy một thời gian, bởi khi đó Carlo Ponti đã có vợ.

Trong cuốn hồi ký của mình, Sophia thú nhận: “Chúng tôi thường gặp nhau một cách bí mật. Chỉ đến năm 1954, khi thực hiện bộ phim ‘Woman Of The River’, sự gần gũi ấy mới thực sự trở thành tình yêu." Carlo và Sophia chính thức kết hôn vào năm 1966, và sống bên nhau tới khi Carlo Ponti qua đời ở tuổi 94.

Carlo Ponti và Sophia Loren.

“Con mồi” táo bạo hơn nhiều

Điện ảnh Việt Nam cũng không hiếm những cuộc đổi chác, từ kín đáo đến lộ liễu. Từ thời điện ảnh “bao cấp” đến thời phim “mỳ ăn liền," thì những lời gạ gẫm chủ yếu đến từ các đạo diễn, những ông vua trên phim trường.

Nhưng 15 năm trở lại đây, khi thị trường phim ảnh phát triển mạnh mẽ, thì những lời mời đổi chác ngày càng nhiều, tinh vi hơn, mục tiêu tiếp cận cũng đa dạng hơn, không chỉ có nữ diễn viên mà cả những chàng trai trẻ đều bị đưa vào tầm ngắm. Đạo diễn không còn ở vị thế thượng tôn, mà người nắm quyền sinh quyền sát chính là nhà sản xuất.

Nếu coi nhà sản xuất, đạo diễn là thợ săn, diễn viên là con mồi thì việc con mồi chủ động mời tình không còn lạ nữa. Táo bạo hơn, nhiều diễn viên không ngần ngại cho rằng đổi tình lấy vai diễn là chuyện nhỏ, chỉ là con đường ấy có đưa họ đến danh vọng nhanh hơn không mà thôi.

Nói một cách sòng phẳng, những phi vụ đen tối này sẽ không mất đi, chừng nào người ta không thể cưỡng lại hào quang đầy cám dỗ mà điện ảnh mang lại./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục