Đội tuyển Anh: Huấn luyện viên Roy Hodgson từ chức xong thì… thôi?

Việc huấn luyện viên đội tuyển Anh, ông Roy Hodgson, từ chức có phải là kết thúc hay giải pháp cho những chuỗi ngày nhục nhã mà quốc gia quê hương của bóng đá phải hứng chịu?
Các cầu thủ Iceland truy cản trung vệ Delle Alli (giữa) của đội tuyển Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rất nhanh, ông Roy Hodgson đã từ chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh sau thất bại lịch sử trước Iceland. Nhưng đó có phải là kết thúc hay giải pháp cho những chuỗi ngày nhục nhã mà quốc gia quê hương của bóng đá phải hứng chịu? Câu trả lời là không.

“Từ chức xong không... thôi thì làm được gì?," ông Roy Hodgson chắc chắn sẽ hỏi vặn lại người hỏi ở một nơi kín đáo nào đó, không gồm máy ghi âm bên cạnh.

Ông chẳng sai, từ chức, hết nhiệm vụ thì chẳng thôi. Nhưng có thể tin chẳng ai chất vấn ông Hodgson vì việc đó. Mũi dùi mà dư luận, truyền thông Anh đang hướng tới là Liên đoàn Bóng đá Anh (FA). Mà nếu FA trả lời họp báo là “từ chức xong thì thôi” có thể tin báo chí cả thế giới sẽ được phen tốn giấy mực mà trà dư tửu hậu dài dài.

Những gì đội tuyển Anh làm được ở bờ bên kia eo biển Manche là thực sự tệ hại. Chính vì quá tệ hại nên chúng được nhắc đến quá nhiều trong suốt những ngày qua. Ít người để ý rằng người Anh đang khó mà chuẩn bị được ai thay thế Hodgson, người coi như chịu mọi tội lỗi sau quyết định từ chức.

Báo chí Anh đang đồn thổi Gareth Southgate, huấn luyện viên của đội U21 Anh sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ huấn luyện viên trưởng trong thời gian tới. Cựu đội trưởng của Middlesbrough, Southgate đã đảm nhiệm chức vụ huấn luyện viên trưởng đội U21 Anh từ năm 2013. Sau ba năm, đội U21 Anh của Southgate bị loại từ... vòng bảng giải U21 châu Âu, nhưng lại vô địch giải Toulon 2016 sau khi thắng U21 Pháp ở trận chung kết.

Với thành tích như vậy, ông Southgate có thể trở thành huấn luyện viên trưởng tuyển Anh? Dĩ nhiên là có thể. Nhưng niềm tin chỉ xuất phát từ công tác đào tạo trẻ có giúp người Anh gặt hái thành quả? Thậm chí cần phải đặt câu hỏi kỹ lưỡng hơn là nếu Southgate có thể giúp Anh đạt được thành tựu với lứa trẻ, thì Liên đoàn Bóng đá Anh có kiên nhẫn nổi để chờ tới lúc đó?

Tam sư đã đổi huấn luyện viên liên tục trong hơn một thập kỷ qua với đủ các thành phần, từ người Anh bản địa, trẻ, giàu tiềm năng (vào thời điểm đó, Steve McLaren), người nước ngoài giàu kinh nghiệm, danh tiếng, lương cao (Fabio Capello) cho tới người Anh già, biết gìn giữ truyền thống (Roy Hodgson). Kết quả đều cho nghiệm duy nhất là thất bại. Tệ hơn, tất cả những lựa chọn của FA đều không tạo ra được bất kỳ tầng lớp kế thừa nào. Trái lại, tình hình chỉ ngày một tệ hơn với Tam Sư.

McLaren bị sa thải sau khi để đội tuyển Anh lỡ mất EURO 2008, David Beckham sau đó không còn xuất hiện tại màu áo Tam sư. Capello từ chức chỉ bốn tháng trước khi EURO 2012 khởi tranh, John Terry sau đó từ giã thi đấu quốc tế. Roy Hodgson từ chức sau EURO 2016, người Anh không còn ai của thế hệ vàng ngoài Wayne Rooney giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Sau mỗi lần đổi huấn luyện viên, đội tuyển Anh lại yếu đi trông thấy. Vì thế, người dám ngồi vào ghế nóng tại Tam sư sau thất bại trước Iceland hẳn sẽ phải là kẻ cực kỳ bản lĩnh, hoặc đơn giản chỉ là con tốt thí cho sự hèn nhát không dám thay đổi của FA. Southgate, đáng tiếc, dù nhìn theo cách nào cũng giống tốt thí hơn. Nếu thế thì chẳng phải là từ chức xong thì... thôi hay sao?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục